18/7/08

Hủ tiếu quê mình


Mỗi lần về Sadec, dù bận thế nào tôi cũng dành thời gian đi ăn hủ tiếu, đơn giản chỉ để được thưởng thức lại cái hương vị đặc sắc không lẫn vào đâu và cũng không đâu có được của món ăn quê nhà. Cũng không ngoa khi nói rằng Sadec là nơi "ra ngõ gặp hủ tiếu". Quả vậy, ở Sadec, mỗi buổi sáng không món điểm tâm nào dễ kiếm bằng hủ tiếu. Hủ tiếu được bán ở khắp nơi, từ những quán nhỏ ven đường đến những những tiệm ăn sang trọng, đâu đâu cũng có hủ tiếu.

Hủ tiếu Sadec khác hẳn những nơi khác; ở đây chỉ xin nói đến vài điểm khác biệt so với hủ tiếu ở Saigon. Sợi hủ tiếu Sadec to hơn, ăn dai hơn và có hậu ngọt. Cái dai ở đây có nghĩa là không bở, chứ không phải giống như loại hủ tiếu dai bán ở Saigon. Loại này người Sadec gọi là hủ tiếu bột lọc và hầu như không được ưa chuộng vì khi ăn phải nhai mỏi miệng và chẳng có chút hương vị ngọt nào. Các quán hủ tiếu luôn luôn có hai loại là khô và nước. Nhân đây xin đặc biệt nói về hủ tiếu khô, món đặc sắc làm nên sự khác biệt khiến những ai đã từng thưởng thức qua sẽ mãi nhớ nhung.

Có một điều thú vị nho nhỏ là hủ tiếu khô ở Sadec được ăn trong dĩa, không như ở Saigon dù khô hay nước cũng đều cho vào tô. Theo thông thường người bán sẽ cho giá sống vào dĩa ; nếu ai muốn ăn giá trụn thì phải dặn trước. Hành và hẹ cũng để sống. Ăn sống có nhiều hương vị hơn. Kế đến là mỡ thơm làm cho dĩa hủ tiếu có vị bùi và béo. Đặc biệt trong hủ tiếu khô phải để thêm ít đường. Đây là một trong những điểm mấu chốt tạo ra sự khác biệt cho hủ tiếu khô Sadec. Và mấu chốt thứ hai tạo nên vị ngon chính là nước sốt. Người bán pha chế nước sốt càng khéo thì dĩa hủ tiếu càng ngon. Nhờ có nước sốt mà hủ tiếu trong dĩa không bị dính lại với nhau, khi ăn không có cảm giác khô khan mà ngược lại cảm thấy mềm mại và ngọt ngào.

Trước khi ăn, người ta hay cho vào dĩa hủ tiếu một ít ớt xắt nhỏ và nước tương. Ở Sadec người ta hay dùng nước tương chùa tại các quán hủ tiếu. Đó là loại nước tương do các chùa ở đây làm ra, thường ngọt hơn và không có hậu chua như những loại nước tương khác. Một điểm khác biệt nữa là người ta dùng hạnh (theo cách gọi của người Sadec mà Saigon gọi là tắc) nhiều hơn chanh khi ăn hủ tiếu. Vị chua và mùi thơm của hạnh rất khác chanh, dịu hơn và thơm nhẹ nhàng khiến dĩa hủ tiếu thêm hấp dẫn. Ăn hủ tiếu khô thì chắc chắn phải có thêm chén nước súp. Người Sadec không gọi là nước lèo mà dùng từ nước súp cho tất cả các loại nước dùng với hủ tiếu, phở, bún riêu hay cơm tấm.

Nếu bạn ăn hủ tiếu thịt thì những lát thịt và gan, đôi khi có cả phèo sẽ được cho luôn vào dĩa hủ tiếu; còn nếu gọi xương ống hay giò thì những thứ đó sẽ được cho vào tô nước súp to kèm theo. Nước súp được nấu từ xương, thịt heo, gan, phèo, khô mực và đặc biệt có rất nhiều củ sắn. Nếu thích người ăn có thể gọi thêm một tô củ sắn ăn kèm. Củ sắn được hầm lâu trong nồi súp trở nên mềm và hấp thụ thêm được vị ngọt của thịt và xương khiến nó trở thành món ăn ưa chuộng của hầu hết mọi người.

Thế đấy, hủ tiếu Sadec tưởng chừng bình dị nhưng khi đi đâu xa người Sadec không ai lại không thèm được ăn. Dù ở Sadec vẫn có phở, bún bò, cơm tấm rồi còn cả bánh tầm, bún riêu, bún thịt xào nhưng hủ tiếu vẫn là món được bán nhiều nhất và được ăn nhiều nhất. Từ các em nhỏ chỉ ăn được những chén hủ tiếu với thịt băm đến những thanh niên ăn phải gọi bánh thêm ăn cho thỏa thích, rồi những cụ già phải ăn hủ tiếu trụn cho thật mềm. Hủ tiếu đã tạo thành một nét văn hóa ẩm thực cho Sadec. Nếu ở đâu đó giữa Saigon bạn chợt nghe một người nào đó nói món hủ tiếu ở đây không ngon thì bạn có thể nghi ngờ đó là một người Sadec.

15/7/08

Vài cảm nhận về buổi chung kết Hoa hậu Hoàn vũ

Buổi thi chung kết Hoa hậu Hoàn vũ diễn ra vào buổi sáng nên thật tiếc mình không thể xem trực tiếp được. Thật may buổi tối VTV3 có chiếu lại. Cảm nhận đầu tiên của mình khi xem là rực rỡ, chuyên nghiệp và đậm chất văn hóa Việt. Một điều thật thú vị là những cái tưởng chừng rất Việt Nam trên sân khấu đều được dàn dựng từ bàn tay của người Mỹ.

Image
Ảnh: Báo Thanh niên

Những phong cảnh tuyệt vời nhất của Việt Nam được chắt lọc và thể hiện trên màn hình khổng lồ làm phông nền. Ấn tượng nhất là phần thi trang phục dạ hội của các hoa hậu trong top 10. Một Tháp Rùa cổ kính hiện lên giữa lung linh bóng nước. Tầng trên của tháp là những diễn viên múa trong những bộ trang phục đậm chất huyền bí như các vị thần. Ở tầng dưới của tháp, các người đẹp lần lượt xuất hiện trong các những bộ trang phục lộng lẫy.

Những hình ảnh của Việt Nam được quảng bá một cách súc tích nhưng khá đầy đủ trải dài khắp đất nước, từ Sapa đến tận vùng sông nước Cửu Long. Hình ảnh TP. HCM được giới thiệu rất sáng tạo bằng việc chiếu toàn cảnh trụ sở UBND TP trên màn hình; những chiếc xe gắn máy được lái ngay trên sân khấu. Hai người dẫn chương trình Mel B và Jerry Springer xuất hiện như thể đang đứng ngay trên đường phố nhộn nhịp của thành phố. Đặc biệt hình ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh được các đạo diễn Mỹ đưa vào nhiều lần trong các đoạn phim giới thiệu, từ khu di tích lăng tại Hà Nội đến tượng đài trước UBND và bức ảnh thật to trong Bưu điện TP.

Image
Ảnh: Báo Thanh niên

Trước buổi thi chung kết cũng có những lời ra tiếng vào về việc Việt Nam sẽ được gì khi đăng cai cuộc thi này. Có tờ báo đã không ngần ngại đăng tin hơn 60% người đọc cho rằng Việt Nam sẽ không được gì cả. Sau khi xem xong buổi thi chung kết thì mình không nghĩ vậy. Với việc buổi thi được truyền trực tiếp đến 170 quốc gia trên thế giới và cách dàn dựng đậm nét Việt Nam, những đoạn phim giới thiệu được xây dựng công phu từ những người làm truyền hình Mỹ, chắc chắn Việt Nam sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhiều người trên thế giới.Và hiện giờ mình đang nóng lòng để xem một cuộc thi sắc đẹp tầm cỡ thế giới khác sẽ được tổ chức ở Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010.

Nhà ông Năm Kiến Vàng - Vĩnh Long

 Hôm nay đưa ba đi bó thuốc ở nhà ông Năm Kiến Vàng ở Vĩnh Long. Xuất phát lúc 5h30 đến 7h30 thì đến nơi. Đến TP Vĩnh Long chạy lòng vòng mộ...