21/5/07

Xe mới

Vậy là cuối cùng tôi cũng có được một chiếc xe honda mới. Ba mẹ đã mua cho tôi vào dịp tôi về quê nghỉ lễ 30/4. Trước khi về quê tôi đã đồng ý mua loại xe mẹ chọn nhưng khi về nhà rồi trong lúc nói chuyện với mẹ tôi vô tình nói ra là mình không thích xe đó mà thích loại xe khác. Xe này thì đắt tiền hơn một chút nhưng mẹ vẫn đồng ý vì theo mẹ mua xe để chạy lâu dài thì nên mua loại mình thích nếu không sau này mình sẽ mãi tiếc rằng tại sao lúc trước mình không ráng bỏ thêm chút tiền hoặc ráng đợi thêm một thời gian nữa để mua được cái mình thích.

Xe mua xong nhưng phải đợi làm giấy tờ và bảng số. Sau gần mười ngày mọi thứ mới hoàn tất. Cuối tuần rồi tôi về quê để chạy xe lên. Việc đi lại từ nhà và thành phố bằng xe honda là việc mẹ tôi tuyệt đối cấm từ trước đến nay. Nhưng lần này mẹ đã cho phép tôi làm việc đó cùng với việc sẽ đi cùng với ba. Tôi xin nghỉ làm chiều thứ Sáu và đón xe về quê. Sadec nằm ờ trung tâm của châu thổ Sông Cửu Long nên đuờng đi từ Saigon về tuy không quá xa nhưng cũng đủ khiến người ta thấm mệt. Thông thường tôi đi xe khách cũng mất ba tiếng rưỡi đồng hồ nên tôi uớc tính nếu đi bằng xe honda chắc cũng tốn hơn bốn tiếng.

Có một điều thú vị là ngày tôi mang xe lên thành phố đúng vào ngày bầu cử nên khi thấy tôi về nhiều người bà con cứ tưởng tôi về là để "đi bầu". Trước khi về mẹ đã dặn dò tôi thật kỹ là nhớ mang nón bảo hiểm và kiếng mát về để dùng khi chạy xe lên. Nói đến hai món đó thì thật là buồn cười. Tôi đã mang chúng lên thành phố cả năm rồi mà chưa dùng đến lần nào bởi chiếc xe cub quá chậm chạp nên thường không được dùng để đi xa cho nên những món đồ bảo hộ đó cũng không có cơ hội được dùng tới. Và giờ đây tôi sẽ có dịp được dùng cái kiếng mát này, một món của một người ở Mỹ gởi tặng gia đình tôi như sự tri ân vì đã giúp người thân của người ấy nghe nhờ điện thoại.

Tôi chỉ có buổi tối Thứ Sáu và ngày Thứ Bảy để được sống trong không khí đầm ấm gia đỉnh, để thưởng thức những món ăn của mẹ. Tôi phải đi vào sáng sớm Chủ Nhật để còn kịp thời gian ba quay về vào buổi chiều. 5 giờ sáng ba đánh thức tôi dậy. Tôi đã chuẩn bị sẵn mọi thứ từ tối đêm qua. Mẹ nhắc nhờ tôi kiểm tra lại mọi giấy tờ cần thiết và những thứ cần đem theo. Mẹ dặn tôi khi nào nghỉ chân dọc đường thì gọi điện về báo cho mẹ biết. Tôi chào mẹ và cùng ba lên đường. Tôi chạy chiếc xe mới còn ba sẽ đi chiếc cũ đến nhà nội trước rồi ba sẽ gởi xe cũ ở đó và cùng tôi đi xe mới lên thành phố.

Ba và tôi ghé nhà nội để thắp nhang cho ông bà nội. Đây là thói quen của ba mỗi lần ghé đây và cũng là thói quen của tôi mỗi lần từ thành phố về và trước khi lên lại thành phố. Cô Bảy đãi ba tôi và tôi món cơm tấm cô bán. Cô Hai thì đem nước mía ra, cô Tư thì múc nước súp ăn kèm với cơm tấm, cô Ba thì cho tôi địa chỉ xe tải ở thành phố để mai mốt tôi gởi xe cũ về. Cô Hai còn gởi kèm cho tôi mấy trái lê, cam, ổi và một bịt nước mía để uống dọc đường. Ba và tôi khởi hành lúc 6 giờ 30. Trước khi đi tôi ghé tiệm bánh bên đường để mua ba cây bánh pía để làm quà cho em gái tôi và các đồng nghiệp ở công ty.

Vậy là cuộc hành trình chính thức bắt đầu. Ba chở tôi trước. Tôi và ba đều đội nón bảo hiểm và đeo kiếng. Tôi còn chuẩn bị cả khẩu trang; mẹ cũng chuẩn bị cho ba một cái nhưng chỉ có tôi đeo khẩu trang còn ba thì không vì từ trước đến giờ ba không quen với việc này. Từ Sadec muốn lên Saigon đầu tiên phải vượt qua đoạn đường "trường kỳ thi công" Sadec-Mỹ Thuận với đầy những ổ gà ổ voi, đất đá lổm chổm, những cây cầu làm dỡ dang bên cạnh những đống cát cao như núi. Những lần đi và về trước đây tôi chỉ đi xe khách nên chỉ biết cảm giác bồng bềnh và thấy mịt mù bụi như sương mù. Giờ đây đi bằng xe honda mới thấm thía hết nỗi gian nan. Ba phải hết sức khéo léo để vượt qua những đoạn đường mà chỉ có một nửa được trải nhựa khiến những dòng xe từ cả hai chiều lúc thì tranh giành lúc thì nhường nhịn nhau đi trên phân nửa đuờng tốt đó.


Khoảng nửa tiếng đồng hồ thì chúng tôi tới được cầu Mỹ Thuận. Đi bằng xe honda lên cầu mới thấy cây cầu thật hùng vĩ. Từ dốc cầu ba trả số xe và xiết tay ga để lên cầu. Dốc cầu khá cao và dài nên phải chạy khoảng hai phút mới lên hết dốc để đến đỉnh cầu. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tiếng gió sông Tiền thổi lồng lộng bên tai và nhìn toàn cảnh chiếc cầu và cả một vùng sông nước, vuờn tược xung quanh. Tôi chợt thầm nghĩ nếu như nhà mình ở gần đây thì có lẽ mình sẽ thường xuyên đi bộ lên cầu để hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn dòng Mekong trầm mặc, để gió sông lồng lộng xua tan những phiền muộn hay đơn giản để thực hiện một bài thể dục.

Qua khỏi cầu là chúng tôi bắt đầu đi vào huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang. Từ khi đến gần cầu ở bên bờ Vĩnh Long thì đường đi rất tốt. Và từ đây đoạn đường cũng đông xe hơn vì ngoài các xe đi đường Sadec (Sadec, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá) có thêm các xe đi đuờng Vĩnh Long (Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) cùng đổ vào. Hầu như cả đoạn Quốc lộ 1A đi qua tỉnh Tiền Giang đều được tỉnh này xây con lương ở giữa đường. Điều này cũng hợp lý vì đường từ Saigon về Mỹ Thuận đã có đến hai phần ba đi qua Tiền Giang và đây cũng là đoạn đường hay xảy ra tai nạn.

Ba vẫn tiếp tục chở tôi. Đường đi tốt nên ba tăng tốc sao cho đủ nhanh để có thể đến nơi sớm nhưng vẫn bảo đảm tốc độ an toàn. Đi được một đoạn thì chúng tôi đến An Hữu một thị trấn khá đông đúc của Cái Bè. Tại đây có một ngã rẽ để đi về Cao Lãnh và các huyện ở Bắc Sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp. Ngã ba An Hữu này đặc biệt quan trọng với nhiều người dân Đồng Tháp vì trước đây để đi đến Cao Lãnh và các huyện Bắc Sông Tiền, người ta phải theo Quốc lộ 1A đến Bắc Mỹ Thuận, lên phà qua bờ Nam của Sông Tiền để đến Sadec rồi từ Sadec lại đi đến Bắc Cao Lãnh, lên phà để quay về bờ Bắc.

Bây giờ thì đã khác, đã có đường từ An Hữu về Cao Lãnh; hồi đầu năm nay thị xã Cao Lãnh cũng đã trở thành thành phố của tỉnh Đồng Tháp.Tôi vẫn hay tự hỏi giờ đây người ta đã xây dựng thành công một tỉnh Đồng Tháp mới với trung tâm là vùng đất giàu truyền thống cách mạng Cao Lãnh thì tại sao vẫn chưa chịu để Sadec và các huyện phía Nam tách ra thành một tỉnh riêng. Sadec tuy không giàu truyền thống cách mạng nhưng là một đô thị lâu đời và giàu truyền thống văn hoá, tại sao người Sadec không có cơ hội hưởng các quyền lợi về đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hoá, dịch vụ hiện đại như các đô thị khác? Tôi chắc chắn rằng nếu có tỉnh Sadec thì đoạn đường Mỹ Thuận-Sadec dài không đến 15 cây số sẽ không ì ạch thi công hơn ba năm trời mà vẫn chẳng ra gì như hiện nay.

Qua khỏi An Hữu được một đoạn thì ba dừng xe lại bên đuờng để nghỉ. Ba tôi bị đau lưng nên không ngồi lâu được. Ba và tôi xuống xe để đi lại cho thư giản. Khoảng mười phút sau thì chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Lúc này tôi thay ba chạy xe. Lần đầu tiên chạy trên quốc lộ đông đúc này tôi cũng hơi hồi hộp nhưng có ba ngồi phía sau tôi cảm thấy yên tâm hơn; ba sẽ truyền đạt những kỹ thuật chạy xe đuờng trường cho tôi. Khi chạy tôi thỉnh thoảng lại nhìn vào kính chiếu hậu để xem có xe lớn đến từ phía sau không hoặc nhìn vào kim xăng xem có còn đủ xăng không. Giờ này đuờng không nhiều xe lắm nhưng tôi cũng như ba chạy cũng không quá 55 km/h. Ba và tôi đều không quen tốc độ nhanh nên cho dù ở đoạn đường vắng hoe đi nữa cũng không chạy nhanh hơn đuợc.

Đi được khoảng hai cây số thì tôi ghé vào một cây xăng ven đường để tiếp nhiên liệu cho chiếc xe và để ba xuống đi tới lui thư giãn và rửa mặt. Bịch nước mía cô Hai cho mang theo đã bị bể do đường dằn sốc. Tôi mua một chai trà xanh mang theo uống dọc đường. Dừng lại ở đây chỉ khoảng năm phút, chúng tôi lại tiếp tục đoạn đường còn khá xa. Bây giờ nắng cũng đã lên cao. Tôi mặc áo thun ngắn tay nên bắt đầu có cảm giác hơi nóng ở hai cánh tay. Trước khi đi tôi đã chuẩn bị một áo sơ mi tay dài với mục đích sẽ mặc nếu có gió lạnh khi chạy xe. Giờ thấy không lạnh gì cả nên cũng lười lấy áo ra mặc. Sau này mới thấy hối tiếc vì việc làm đó vì sau năm giờ phơi tay dưới cái nắng gay gắt, hai cánh tay tôi từ chỏ tay trở xuống gần như bị phỏng và bị lột da một tuần sau đó.

Đi đường ở miền Tây Nam Bộ có một nét rất đặc trưng là phải qua rất nhiều cầu và gần như cạnh bên cầu luôn có chợ. Tôi ngại nhất là khi đi qua các khu vực này vì chạy xe qua cầu đã khó mà lại còn gặp phải chợ đông đúc người. Có một mối nguy hiểm tiềm tàng khác mà khi đi xe honda tôi mới phát hiện ra. Đó là các xe tải quay đầu giữa đường. Phải thật khéo léo để tránh chúng vì chúng choáng cả đường, nếu mình cố lách qua trái để vượt thì dễ bị nguy hiểm từ xe phía sau đang chờ đến, còn nếu chần chờ dừng lại thì có nguy cơ bị đuôi của chúng quẹt phải. Rất may là đã có ba ngồi phía sau nhắc nhở tôi xử lý những tình huống này. Thực ra đi trên đường không phải chỉ mình cẩn thận là đủ vì nếu các tay tài xế ô tô cứ phóng nhanh vượt ẩu thì tai nạn vẫn có thể xảy ra. Đó là lý do chính mà bấy lâu nay mẹ không cho tôi đi xe honda lên Saigon ngay cả khi có bạn đề nghị cho quá giang.

Tôi chạy qua hết địa phận Cái Bè và tiếp tục đi vào Cai Lậy. Tỉnh Tiền Giang có ba huyện nằm trên tuyến quốc lộ này là Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành. Trong số đó thì đoạn đi qua Cai Lậy là dài nhất. Từ Saigon về nếu đi hết Cai Lậy coi như sắp đến nhà, còn từ Sadec lên nếu qua khỏi Cai Lậy sẽ đến được Trung Lương và cũng có nghĩa là đã đi được nửa đoạn đường. Tôi dự định sẽ tìm một quán ven đường để vào nghỉ ngơi khi đến Trung Lương. Nhưng khi đi sắp hết Cai Lậy khi tôi cảm thấy rất mệt, vừa mỏi tay lại vừa ê mông nên không thể ráng thêm được nữa. Tôi chạy chậm lại và ghé vào một quán nhỏ bên đuờng để nghỉ. Quán trông rất mát mẻ nhờ phía trước có những cây trứng cá với tán xoè rộng. Quán vừa có ghế bố vừa có võng để có thể ăn uống và nghỉ ngơi. Ba và tôi chọn hai chíếc võng kế bên nhau để nằm, mắt hướng về phía con đường quốc lộ, vừa uống cà phê vừa nói chuyện giải khuây.

Tôi lấy điện thoại ra định gọi về nhà cho mẹ hay nhưng ở đây điện thoại của tôi không có sóng. Tôi cũng không bất ngờ vì điều này bởi tôi dùng S-Fone, một mạng điện thoại khá khiêm tốn so với các mạng khác. Tôi nhắm mắt cố tìm một giấc ngủ ngắn ngủi nhưng cũng khó mà ngủ được vì ngoài đường xe chạy vù vù và tôi thì cũng không yên tâm để ngủ. Tôi vẫn cứ nhắm mắt và vẫn vừa nói chuyện với ba. Tôi chỉ uống vài hớp cà phê, phần còn lại nhờ ba uống hết. Tôi không dám uống nhiều bởi cà phê pha rất đậm, nếu uống nhiều chắc chắn chút nữa tôi sẽ không thể lái xe được. Ở công ty tôi đã từng hai lần uống cà phê đậm như thế này và hậu quả là tôi đã không thể tập trung làm việc được vì cái cảm giác bần thần và chóng mặt mà nó mang lại.

Sau khoảng nửa giờ nghỉ chân tại quán võng thì chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Bây giờ ba lại chạy xe thay tôi. Lúc này nắng đã trở nên gay gắt hơn nhiều. Trước khi đi thì cứ sợ trời sẽ đổ mưa dọc đường, nếu như vậy chuyến đi sẽ vô cùng khổ sở. Có lẽ như ông trời đã thấu hiểu được sự lo lắng của tôi nên đã khiến cho ngày hôm nay nắng thật tốt thậm chí quá tốt đến nỗi khiến tôi cảm thấy nóng rát cả hai tay. Ba chạy chẳng mấy chốc thì đến ngã ba Trung Lương. Đến đây thì lại có thêm các xe từ Mỹ Tho và Bến Tre hoà vào dòng xe đông đúc để lên Saigon. Rồi chúng tôi cũng qua khỏi Tiền Giang, tỉnh Long An hiện ra khiến tôi cảm thấy phấn chấn hơn khi nghĩ đến việc mình sắp đến nơi. Long An là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đi ngang qua đây mọi người thường thấy các nhà máy, các cơ sở công nghiệp, những hình ảnh vốn rất ít thấy ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Khi đến bến Bến Lức ba dừng lại nghỉ một lần nữa. Chúng tôi ghé lại ở một quán ven đường nhưng không vào quán mà đứng nghỉ chân ở bãi đất trống cạnh bên quán nơi có một bụi tre rợp bóng mát vì chúng tôi chỉ muốn dừng lại trong khoảng thời gian thật ngắn để đi lại cho đỡ mỏi chân rồi lại đi tiếp. Thật may mắn là ở đây đã có sóng điện thoại nên tôi liền gọi về báo cho mẹ biết. Chắc chắn mẹ ở nhà đang rất lo lắng cho ba và tôi vì chúng tôi đi từ sáng sớm mà đến giờ đã hơn 10 giờ sáng. Nhận được điện thoại của tôi mẹ rất vui; mẹ dặn tôi khi nào đến nơi thì lại gọi về cho mẹ hay. Tôi và ba lại tiếp tục lên đường. Và từ đây tôi sẽ lái xe cho đến khi tới nơi vì vào thành phố ba sẽ không biết đường. Ba dự tính thật hay, hai người thay phiên nhau chạy và đến đoạn vào thành phố là đến ngay luợt tôi. Đoạn đuờng ở khu vực này có thể nói là cực kỳ đông đúc, nào là xe hàng, nào là xe khách, rồi cả honda, người qua đường. Trời thì nắng vô cùng gay gắt làm hai cánh tay tôi đỏ hửng lên và cảm giác bỏng rát cứ rần rần.

Đi một lúc thì chúng tôi đã vào địa phận Saigon. Huyện Bình Chánh chính là cửa ngõ phía Nam của thành phố mà bất cứ ai từ miền Tây Nam Bộ lên cũng phải đi qua. Khu vực này thật sự ô nhiễm trầm trọng. Ở đây có nhiều cơ sở sản xuất mà phần lớn là cơ khí. Những chiếc xe tải to cồng kềnh hay những chiếc xe công-tăng-nơ dài ngoằn nghoèo cứ nối đuôi nhau mà đi. Chạy xe ở đây tôi phải tập trung hết sức cao độ, vừa tránh những chiếc xe tải lù lù phía bên trái, vừa chọn đường để không phải chạy qua những vũng nước vương vải ở gần lề đường. Trời nắng đổ lửa, đường mịt mù khói bụi, các ngã tư đèn đỏ thì chỉ cách nhau không bao xa. Tôi thực sự thấm mệt và mong càng nhanh đến nơi càng tốt. Những lần đi xe khách thì người ta vào thành phố bằng đường Nam Saigon. Tôi thấy đi đuờng này thì hơi xa nên quyết định chạy thẳng theo quốc lộ 1A để đi về hướng Xa Cảng. Vì đã lâu rồi tôi không đi ngã này nên đâu biết rằng hiện giờ đoạn đuờng đang sửa chữa. Vậy là lại thêm một phen hứng chịu bụi bặm và những cảnh chen chúc qua các đoạn đuờng nhỏ hẹp nham nhở đất cát.

Qua khỏi Xa Cảng, tôi chạy được một đoạn thì quyết định phải tìm một chỗ nào để nghỉ thêm một lần nữa để có đủ sức đi hết đoạn đường còn lại. Chỗ tôi chọn là trạm dừng xe buýt đối diện công viên Phú Lâm. Tôi chạy xe lên vỉa hè và dừng lại ở bóng mát của một mái hiên nhà. Định lấy chay trà xanh mua hồi sáng ra uống thì mới phát hiện chay nước đã bị rơi dọc đường. Có lẽ cái bọc ni-lông mỏng quá nên chay nước làm vỡ nó và rớt ra ngoài. Đành phải cố chịu khát cho đến khi tới nơi. Sau khi đi tới lui cho đỡ mỏi gối, tôi lại tiếp tục những kilomet cuối cùng để đến đích.Với tôi chuyến đi càng về sau càng gian khổ bời tôi đã thấm mệt, hai mắt như muốn hoa lên, tay chân đều mỏi rã rời. Tôi lại càng cảm thấy thương ba, đã cùng tôi đi suốt đoạn đường. Chắc ba cũng mệt không kém tôi nhưng không nói ra. Tôi cũng hơi lo không biết mình có nhớ đường không, chỉ nhớ mang máng phải qua mấy cái bùng binh. Tôi sợ mình rẽ không đúng hướng, như vậy sẽ rất mất công. Nhưng thật may mắn là tôi đã đi đúng đuờng và cuối cùng cũng đến được đuờng 3/2, con đuờng dẫn đến nhà trọ của tôi.

Tôi vô cùng mừng rỡ khi sắp đến nơi. Chỉ còn vài cây số nữa. Đoạn đường 3/2 hình như lúc nào cũng đông đúc nhưng với tôi nó đã quá quen thuộc. Từ 3/2 rồi lại rẽ sang Lý Thái Tổ, tôi đã đến được nhà trọ vào 11 giờ 30. Vậy là đã "tiến về Saigon" thành công hoàn toàn! Tôi khéo léo chạy vào cái hẻm nhỏ xíu chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua sao cho chiếc xe mới không bị va vào bất cứ cái gì. Vợ chồng ông hàng xóm nhìn cha con tôi với chiếc xe mới với vẻ hơi ngạc nhiên và tò mò vì xe của tôi giống xe của con gái ông. Hôm nay là Chủ Nhật nên ở nhà nhà hầu như có đầy đủ mọi người nhưng họ đều ở trên gác xem tivi. Tôi đem xe vào nhà rồi chỉ ba chỗ nghỉ ngơi trong phòng tôi ở tầng trệt. Tôi gọi ngay điện thoại về nhà báo tin cho mẹ yên tâm và gọi cả cho em gái tôi báo cho nó biết ba đã lên đến nơi, chút nữa sẽ ra thăm nó. Tôi lấy khăn cho ba đi tắm, sau đó bật tivi cho ba vừa nằm nghỉ vừa xem trong lúc tôi đi mua cơm.

Sau khi ăn cơm xong, tôi chở ba từ quận 10 ra Tân Phú để thăm em gái. Em tôi ở đang theo học ở một trường cao đẳng tại đây. Từ nhà trọ của tôi ra đó cũng khoảng 15 phút. Trời nắng như đổ lửa, đường ra đó cũng lắm khói bụi và xe cộ. Ra đến nơi gặp lúc ông chủ nhà cũng đến thăm và ba tôi lại có dịp trò chuyện cùng ông sau ba năm kể từ ngày ba tôi lần đầu tiên đến đây tìm nhà trọ cho em tôi. Ba tôi mang theo cây bánh pía mua hồi sáng, kèm theo là một ly sâm bổ lượng mà tôi mua cho ba nhưng ba không uống mà để dành cho em tôi. Bốn người chúng tôi ngồi trong căn phòng nói chuyện khá vui vẻ. Được một lúc thì ông chủ xin phép ra ngoài; còn lại ba cha con tôi ở trong phòng. Ba hỏi thăm việc học tập và ăn ở của em tôi đồng thời kể cho nó nghe những chuyện ở quê. Em tôi thật sự rất vui mừng khi ba đã ra thăm và còn mang cả quà nữa.

Thấy em tôi sống ở đây ổn định và có môi truờng thuận lợi để học tập, ba tôi rất yên tâm. Ngồi chơi được khoảng nửa tiếng thì ba tôi về để kịp đón chuyến xe 1 giò 30 về quê. Tôi chở ba ra trạm xe luôn mà không ghé lại nhà tôi. Ba muốn về sớm vì mẹ đang ở nhà một mình, đang rất lo lắng mong tin của tôi và ba. Dù tôi đã chạy nhanh ra trạm xe nhưng ba cũng bị lỡ chuyến xe 1 giờ 30, đành mua vé chuyến 2 giờ 30. Tôi dự định ở lại trạm xe với ba trong một tiếng đồng hồ đợi xe nhưng ba bảo tôi hãy về nhà nghỉ ngơi vì ba biết tôi đã mệt trong suốt chuyến đi hôm nay. Tôi do dự chưa muốn về nhưng ba bảo tôi cứ yên tâm ra về, ba có thể tự lên xe về nhà được. Tôi nghe lời ba ra về; sau đó tôi gọi điện báo cho mẹ biết ba sẽ về đến nhà vào khoảng 6 giờ chiều. Tôi về lại nhà trọ nhưng lòng vẫn lo cho ba, không biết chứng đau lưng của ba có tái phát sau chuyến đi này không. 6 giờ 30 chiều tôi gọi điện về nhà; đó cũng là lúc ba vừa về đến nơi. Mẹ nói ba đi đuờng vẫn khoẻ và vừa về, mẹ chưa kịp báo tin cho tôi thì tôi đã gọi về. Chỉ sau khi nghe được tin này tôi mới thật sự yên tâm.

Giờ đây tôi đã có chiếc xe mà bấy lâu tôi hằng mong ước. Với tôi nó vô cùng quý giá, cả về vật chất lẫn tinh thần, bởi nó là sự chắt chiu của ba, của mẹ và cả tôi. Chuyến đi từ Sadec lên Saigon bằng xe honda lần đầu tiên với tôi quả là có nhiều điều đáng nhớ. Tôi biết được cảm giác của một cuộc hành trình do chính mình lái xe, có dịp nhìn ngắm nhưng vùng đất mình đi qua dưới một góc nhìn khác, toàn diện hơn và gần gũi hơn. Và điều đáng nhớ nhất với tôi là những kỷ niệm với ba trong suốt chuyến đi. Khi viết bài này tôi đã tự nhủ mình phải viết thật chi tiết để không phải chỉ ghi lại những cảm xúc trên đường đi mà còn để thể hiện sự kính yêu của tôi dành cho ba vì thế bài này trở thành bài dài nhất tôi từng viết trên blog. Khi viết không quan tâm đến điều đó, chỉ biết mình phải ghi lại các sự kiện càng đầy đủ càng tốt và tôi đã làm điều này từ sự thôi thúc của chính trái tim mình.

8/5/07

Nỗi niềm Bùi Kiệm

Có lẽ một trong những câu khó nói nhất và cũng là không muốn nói nhất của tôi là "Không biết". Thế nhưng tôi cứ phải liên tục dùng nó như "một phần tất yếu của cuộc sống". Mỗi lần nói ra câu đó tâm trạng pha trộn nhiều cảm giác thật khó tả, thẹn, buồn, tiếc....

Thật khó khăn cho một người "chậm tiêu" có thể hoà đồng trong một môi trường đòi hỏi người ta phải biết học nhanh, biết hiểu nhanh và phải biết "đi ngang về tắt". Cái gì cũng chỉ biết sơ sơ, hiểu sơ sơ nên làm việc gì kết quả cũng chỉ là xoàng xoàng. Nhiều lúc tôi cũng tự an ủi mình :"Kiến thức vốn vô tận, làm sao có thể biết hết". Nhưng cuộc sống làm sao tránh được những sự so sánh, khen chê, dè bỉu.

Thôi cũng đành ráng phải nhồi nhét vào đầu đủ thứ tạp nham, chuyện Tây chuyện ta, chuyện học chuyện chơi, chuyện trên trời chuyện duới đất. Đôi khi chỉ để biết cái gì đó để khi gặp ai đó "lên gân" còn biết đường mà ứng phó. Nhiều lúc tôi nghĩ không biết mình có giống như một cái máy không vì tôi chỉ nói những gì mình biết chính xác, những chuyện còn mơ hồ thì không nói mà chì lắng nghe và ghi nhận. Nhiều người vì thế cho rằng tôi thụ động hay khả năng giải quyết tình huống kém. Họ nói thế cũng có cái lý của họ vì mình chỉ biết nghe và làm thôi, không thích đôi co, không thích chứng tỏ.

Thế mới thấy câu nói "Học, học nữa, học mãi" có ý nghĩa thế nào. Tôi không có tham vọng biết nhiều để huyên thuyên bất tận mọi thứ, chỉ mong có thể nhảy ra khỏi đáy giếng để thấy bầu trời rộng lớn, hay đơn giản chỉ để bớt "kiệm" một chút để có thể bảo vệ quan điểm của mình đến cùng, không bị những lý lẽ cuội của người khác làm bối rối.

Nhà ông Năm Kiến Vàng - Vĩnh Long

 Hôm nay đưa ba đi bó thuốc ở nhà ông Năm Kiến Vàng ở Vĩnh Long. Xuất phát lúc 5h30 đến 7h30 thì đến nơi. Đến TP Vĩnh Long chạy lòng vòng mộ...