16/11/07

Nghĩ về thttp://www.blogger.com/img/blank.gifhầy

Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, mỗi người ai cũng muốn nhân dịp này để bày tỏ sự kính trọng của mình với thầy cô, những người đã dạy dỗ cho mình nên người. Với tôi thuở nhỏ được học với rất nhiều thầy cô. Với mỗi người tôi không chỉ được học những kiến thức chuyên môn mà còn đuợc chia sẻ những cách sống, được nhận những lời động viên, định hướng giúp tôi vững bước vào đời. Riêng với thầy chủ nhiệm, người đã dạy tôi suốt bảy năm học phổ thông, tôi đặc biệt có nhiều ấn tượng sâu đậm. Những lời dạy, nhắn nhủ động viên ngày nào của thầy vẫn còn tươi nguyên và luôn mãi theo tôi.

Vào lớp Sáu, mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ, truờng mới, lớp mới, thầy cô mới. Giờ Toán, lớp đuợc học với một thầy giáo còn khá trẻ lại vui tính. Ngày đầu tiên làm quen với lớp, thầy giới thiệu về bản thân bằng cách viết tên đầy đủ lên bảng với những nét chữ nắn nót mà bọn học trò nhìn vào đứa nào cũng tấm tắc khen đẹp. Trong các môn học ở phổ thông thì môn Toán chiếm nhiều tiết nhất trong tuần nhưng lúc đó, năm lớp Sáu, tôi vẫn mong giờ học Toán sẽ dài ra mãi, học mà thỉnh thoảng lại xem đồng hồ, cứ sợ giờ Toán sẽ hết. Dẫu rằng càng về những năm học sau, tôi không còn cảm giác đó nữa, thậm chí đôi khi còn mong muốn ngược lại nhưng dù sao những sở thích trong sáng ngày đó thật là đáng yêu bởi tôi nhận ra rằng lúc đó tôi thích cái không khí vui vẻ của giờ học và ngưỡng mộ nguời thầy vui tính hơn là yêu thích môn Toán. Năm học đó thật là vui, chẳng hiểu vì lý do gì mà mỗi khi thầy vào lớp, thay vì chào thầy bằng câu "Nghiêm Học sinh" như thông thường thì lớp tôi lại dùng câu tiếng Anh "Good afternoon"; thầy cũng không hề phiền trách mà vẫn chào lại lớp cũng bằng câu tiếng Anh. Có lẽ lớp tôi sẽ mãi chào thầy bằng câu đó nêu như sự việc không đến đến tai cô chủ nhiệm và không bị cô cấm bởi cô cho rằng như vậy bỡn cợt, thiếu nghiêm túc đối với thầy.

Sang lớp Bảy, thầy bắt đầu chủ nhiệm lớp và từ đó thầy chủ nhiệm đến năm Muời Hai. Học với thầy suốt bảy năm, lớp chúng tôi có dịp chứng kiến những sự kiện gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của thầy. Thầy vốn là một giáo viên cấp Ba, lớp tôi là lớp đầu tiên thầy xuống dạy cấp Hai để "dẫn dắt" ngay "từ thuở ban sơ"; và cũng chính năm đó thầy bắt đầu dạy và bồi dưỡng học sinh lớp chuyên chọn sau nhiều năm nổ lực phấn đấu. Năm bắt đầu dạy lớp tôi, thầy 28 tuổi và chưa có gia đình. Năm sau chúng tôi hân hoan hay tin thầy đám cưới. Càng hảnh diện về thầy mình hơn khi vợ thầy là một cô giáo vô cùng xinh đẹp của trường, người mà mỗi khi đi ngang qua dãy lớp nào cũng khíến bao nhiêu cặp mắt học trò phải nhìn theo. Rồi đến khi thầy có con đầu lòng, đến đầy tháng của em bé, chúng tôi đuợc thầy cô đãi món chè và xôi thật ngon. Chúng tôi học với thầy từ những năm thầy cô còn ở trên lầu một của một căn nhà cũ và đến khi thầy xây đuợc căn nhà mới khang trang hơn chúng tôi cũng có dịp chứng kiến và chia vui cùng thầy. Những cột mốc đó quả thật là khó quên, và tôi cảm thấy mình may mắn khi là một trong những học sinh được học với thầy trong khoảng thời gian có nhiều sự kiện quan trọng ấy.

Học với thầy nhiều năm tôi cũng ít nhiều chịu sự ảnh hưởng từ thầy. Cái đầu tiên là chữ viết. Tôi rất thích nét chữ của thầy, rất sắt gọn, cứng cáp nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, thanh tao. Thầy có cách viết chữ hoa rất đặc biệt, lúc nào cũng bắt đầu bằng một vòng tròn xoán ốc, ví dụ khi viết chữ B thì thầy sẽ vẽ vòng tròn xoắn ốc ngay trên đỉnh, sau đó kéo một đường cong xuống dưới, rồi gắn thêm một nửa vòng tròn nhỏ phía bên phải. Cách viết chữ G hoa của thầy cũng rất lạ; đó là sự lắp ghép của chữ C viết to và số 7 viết nhỏ và hơi cong. Lúc đầu tôi vẫn hay nhìn nhầm lẫn giữa chữ G và số 6 nhưng sau đó chú ý rõ cách viết của thầy, tôi rất thích và viết theo đến tận bây giờ. Tập toán của tôi là nơi mô phỏng lại những cách viết và trình bày của thầy với những chữ hoa xoắn ốc, những chữ viết thẳng không đá nét, hay những tựa bài lúc nào cũng được bao bọc bằng một nửa khung hình bầu dục. Rồi đến chữ ký cũng theo phong cách của thầy với một chữ h đá nét lên thật cao ở cuối cùng. Thời đó, có những lúc tôi nhìn vào sổ liên lạc để suy đoán thứ tự những đường nét trong chữ ký của thầy để tập ký theo, rồi sau đó chỉnh sửa lại một phần để tạo ra chữ ký cho riêng mình. Và tôi đã tạo ra một chữ ký đuợc nhiều bạn bè khen đẹp và dĩ nhiên tôi đã dùng chữ ký đó đến hôm nay.

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in nhiều câu nói thấm đẫm tình cảm của thầy dành cho lớp. Những năm ở cấp Ba, thỉnh thoảng thầy lại nhắc: "Dạy tụi nó từ lúc đứa nào cũng nhỏ nhỏ thế này, mà giờ đã có nhiều đứa cao hơn cả thầy rồi". Những lần như thế, tôi đều cảm thấy có cái gì đó rất thiêng liêng trào dâng trong lòng vì lời nói đó đúng hoàn toàn với bản thân tôi. Còn nhớ, hồi đầu năm lớp Mười, khi vừa trải qua một cuộc thi tuyển để chọn lại lớp, phần lớn những thành viên của lớp Chín cũ đều tiếp tục vào lớp thầy chủ nhiệm, thầy đã nói rằng:"Lại gặp toàn những gương mặt cũ. Chán chết". Không biết bạn bè tôi nghĩ sao, chứ tôi thì thấy câu nói đó chuyển tải cả một niềm tự hào của thầy bởi những đứa học trò nhỏ ngày nào sau bốn năm được thầy dẫn dắt đã không phụ lòng thầy, đã vượt qua được một cuộc thi gam go để được cùng thầy tiếp tục chinh phục những thử thách mới trên con đường học vấn. Có một lần thầy nhắc nhở chúng tôi về cách sống khi bước vào đời, và lời nhắn nhủ đó của thầy tôi luôn ghi nhớ và xem đó như là một trong những nguyên tắc sống của mình. Đó là trong cuộc sống thì phải biết sòng phẳng. Sòng phẳng theo cách hiểu của tôi là phải sống có trước có sau, có tình có nghĩa, sống minh bạch, phân biệt ghét-thương rõ ràng. Rồi năm cuối cấp cũng đến, ai nấy cũng tất bật chọn trường đại học để thi vào. Lúc đó tôi chọn thi ngành công nghệ thông tin của Đại học Khoa học Tự nhiên nhưng thú thật cũng không tự tin lắm. Khi thầy hỏi tôi thi ngành gì và nghe tôi nói lại nguyện vọng của mình, thầy thoáng suy nghĩ khoảng 10 giây rồi nói: "Thôi cũng được đi". Phải nói thật lòng là bốn chữ ngắn gọn đó của thầy là niềm khích lệ vô cùng lớn lao với tôi tại thời điểm đó bởi tôi cảm thấy mình đã được thầy chứng nhận có đủ khả năng để thi. Dẫu rằng trước đó gia đình và bạn bè đã động viên tôi nhiều nhưng chỉ đến khi được nghe chính thầy nhận xét, tôi mới đủ tự tin để quyết định theo đuổi ngành học này. Lúc đó tôi hiểu bốn chữ nhận xét của thầy là: Em có thể thi được vào ngành đó nếu em cố gắng hết mình. Và kết quả thi đã rất phù hợp với nhận định của thầy, tôi đạt vừa đủ điểm để có mặt tại giảng đường đại học sau nhiều tháng miệt mài ôn luyện.

Đến giờ, sáu năm đã trôi qua kể từ ngày tôi và các bạn trong lớp xa mái trường phổ thông yêu quý để lên Saigon học tập và làm việc. Nhưng có một điều thật đáng quý là chúng tôi vẫn giữ đựơc truyền thống hằng năm họp lớp tại nhà thầy vào ngày Tết. Đó là dịp để chúng tôi về quay quần bên thầy, hỏi thăm sức khoẻ của thầy và kể cho thầy nghe về cuộc sống của mỗi đứa. Năm nào cũng vậy, vào buổi liên hoan hợp lớp, thầy lại đãi chúng tôi món rượu thầy đã cất công ngâm trong suốt năm, kể cho chúng tôi nghe về nguồn ngốc của thang thuốc quý thầy dùng ngâm rượu và hát cho chúng tôi nghe bài Diễm xưa da diết tình cảm. Dẫu rằng mỗi năm qua đi thầy lại già hơn một chút nhưng cái cách nói chuyện tươi vui và gần gũi với học trò của thầy thì vẫn thế, như ngày nào một thầy giáo trẻ vào lớp nói chuyện cùng đàn trẻ nhỏ và nắn nót viết tên mình lên bảng.

3/11/07

Tha hương

Trước đây khi mỗi ngày còn cọc cạch đạp xe từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà, tôi chẳng buồn để ý đến các loại xe gắn máy. Từ khi có được chiếc cub 78 mang từ quê lên tôi lại có thói quen nhìn các bảng số xe trên đường, vừa xem xe đó đuợc bao nhiêu "nút", vừa xem nó là xe của tỉnh nào. Và thật thú vị là khi đi trên bất kỳ đường nào ở Saigon tôi cũng gặp được những chiếc xe đến cùng một tỉnh với mình. Lúc đầu tôi cảm thấy rất vui vì gặp được người đồng hương, thậm chí đôi lúc còn thấy tự hào về số lượng đông đảo này. Nhưng bây giờ nghĩ lại không biết mà nên vui hay nên buồn vì điều đó nữa. Sự phân vân này đến với tôi khi vào một ngày kia trong đầu tôi chợt xuất hiện câu hỏi "Tại sao ở Saigon mình lại ít khi gặp xe của Cần Thơ nhỉ?". Từ đó tôi cũng chú ý kỹ hơn những đồng hương gặp được trên đường, về quần áo, tóc tai, vẻ mặt để thử suy đoán xem nghề nghiệp của họ tại nơi phồn hoa đô hội này là gì. Và tôi nhận ra rằng những đồng hương của tôi không phải ai cũng tươm tất áo quần hay bóng bẩy xe cộ mà có rất nhiều người lấm lem mặt mũi, nhuễ nhoại mồ hôi trong bộ đồng phục công nhân, phóng đi trên những chiếc xe mà bụi bám trắng cả hai bánh. 

Nghĩ lại bản thân, tôi thấy mình cũng như họ, bị cuốn theo dòng chảy đổ xô về những đô thị lớn để mưu sinh. Thắm thoát mà đã sáu năm từ ngày tôi đặt chân lên mảnh đất Saigon hoa lệ này, cũng là sáu năm tôi mang tâm trạng ly hương khắc khoải. Với tôi Saigon chưa là quê hương thứ hai bởi với Saigon tôi vẫn là một khách trọ, không có gì ràng buộc. Bản thân tôi cũng chưa tìm được lời giải hợp lý cho "bài toán chỗ ở" của mình. Về quê ư? Có rất nhiều tiện lợi, được sống với gia đình, có nhà để ở, có không khí trong lành để hít thở, có đường rộng thênh thang để chạy xe, có bà con dòng họ để san sẻ vui buồn. Duy nhất một cái không có: chỗ làm. Có lẽ ngày xưa khi chọn ngành học tôi không khéo léo chọn ngành mà có thể làm được ở mọi nơi. Trong trường hợp ở quê có nơi cần đi nữa, tôi cũng không nghĩ mình sẽ có cơ hội xin việc bình đẳng để chen chân vào được một chỗ làm ưng ý. Còn ở lại Saigon? Dù thích hay không thì đó cũng là chọn lựa hiện giờ của tôi, bởi một lẽ rất đơn giản, tôi phải làm việc và có thể tìm việc ở đây. Nhưng việc sẽ ở hẳn nơi này thì tôi chưa hề nghĩ tới. Biết bao giờ tôi mới có thể mua được một căn nhà ở cái nơi tất đất tất vàng này? Phải bỏ quê hương, bỏ căn nhà mà ba mẹ tôi đã cực nhọc bao năm mới xây được, rời bỏ tất cả những người thân thít để đến sống một nơi suốt ngày cửa đóng then cài, "đèn nhà ai nấy sáng" thì quả là một quyết định thật khó khăn cho một người luôn hoài cảm như tôi. 

Mỗi lần về quê, tôi vẫn thường ngồi chung xe với nhiều người cũng đang làm việc ở Saigon như tôi. Những dịp như thế không ít lần tôi chứng kiến những phong thái mới lạ của những người dân quê đã được Saigon hoá. Dù biểu hiện ra bằng cách này hay cách khác, tôi đều nhận ra rằng họ có vẻ rất hài lòng với hoàn cảnh hiện thời. Tôi đoán rằng họ đã tìm được lời giải cho "bài toán chỗ ở" của họ, vấn đề mà với tôi là vô cùng hóc búa. Nếu đúng như vậy thì cũng đáng mừng cho họ. Còn tôi, về rồi lại phải đi, vẫn tiếp tục cuộc sống tha hương. Có người đã nói rằng ai cũng có một quê hương để thương để nhớ nhưng Saigon mới là nơi để sống, làm việc và cống hiến. Người nói ra câu này ắt hẳn cũng là một người ngoại tỉnh đã rất yêu Saigon và chọn nơi đây là bến đỗ cho cuộc đời. Tôi vẫn trong giai đoạn kiểm chứng nhưng thật tình tôi không mong mình sẽ làm theo lời nói đó bởi tôi luôn đau đáu trong lòng câu hỏi nếu mình thật sự yêu quê và mong quê mình ngày càng phát triển thì liệu mình có vui không khi ngày càng có nhiều người dân quê mình phải làm thân tha thương để mưu cầu cuộc sống đầy đủ ở một nơi khác.

Nhà ông Năm Kiến Vàng - Vĩnh Long

 Hôm nay đưa ba đi bó thuốc ở nhà ông Năm Kiến Vàng ở Vĩnh Long. Xuất phát lúc 5h30 đến 7h30 thì đến nơi. Đến TP Vĩnh Long chạy lòng vòng mộ...