Bây giờ đang là tháng Bảy âm lịch. Thật ra tôi cũng không mấy quan tâm đến ngày rằm tháng Bảy nhưng đi ngoài đường thấy nhiều chuyện quá nên cũng để ý. Tôi thấy có hai sự kiện được người ta gán cho ngày rằm tháng Bảy. Thứ nhất, người ta ngọi đó là ngày Vu Lan Báo Hiếu. Sự kiện này gằn liền với Phật giáo. Thứ hai, ngày đó còn được gọi là ngày cúng cô hồn. Thường những người buôn bán để tâm chú ý tới sự kiện thứ hai hơn thứ nhất. Có lẽ họ quan tâm đến việc xua đuổi vận xấu để đển làm ăn thuận lợi hơn là chuyện báo hiếu.
Nơi tôi đang ở rất gần một ngôi chùa có tiếng trong thành phố. Đến ngày đó, ôi thôi người đông như kiến kéo đàn. Mấy nhà ở gần cũng có dịp ăn theo bằng cách bán món chay và mở dịch vụ giũ xe. Vào đúng ngày rằm thì quả là khổ vì xung quanh các quán cơm đều nghỉ bán, chỉ còn vài chỗ bán đồ chay. Vậy là không muốn ăn chay cũng không được, bằng không phải đi xa hơn để tìm món ăn.
Thời học phổ thông, mấy đứa bạn tôi hay rủ nhau đi ăn cơm chùa dịp rằm tháng Bảy nhưng không phải đi một chùa mà từ bảy đến mười chùa. Nhiều người nói Sa Đéc là đất phật cũng không phải là quá. Bởi ở đây đi đâu cũng thấy chùa. Cái thị xã nhỏ bé chắc có đến gần trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi về rằm tháng Bảy ở Sa Đéc chính là những hình ảnh bình dị thân thương như thế..
Còn ở Sài Gòn đáng chú ý nhất lại là những màn cúng kiến lùm xùm với cốc-ổi- mía hay màn ném tiền qua cửa của những nhà buôn. Rồi lại cái cảnh bọn "cô hồn các đảng" sống đi giật đồ cúng đến độ đánh đấm đổ máu. Nhiều người coi việc đi giật đồ cúng như là một thú vui. Khi nghe nói nhà nào sắp cúng, nhất là nhà giàu là họ kháo nhau đến đó chực hờ. Năm nay có lẽ kinh tế khó khăn nên có nhà ném đô-la âm phủ thay cho tiền thật khiến cho nhiều "cô hồn" thất vọng.