Cuối tuần rồi tôi có dịp về quê. Lần nào cũng vậy, khi ngồi trên xe về nhà, lòng tôi luôn cảm thấy nôn nao. Những dãy nhà hai bên đường, những hàng cây, những chiếc cầu, những xóm nhỏ ven sông, tôi đã gặp biết bao nhiêu lần mỗi dịp đi - về, ấy vậy mà lần nào cũng cảm thấy hân hoang để nhìn ngắm lại tất cả. Qua Bến Lức, Tân An rồi đến Trung Lương, Cái Bè, Cai Lậy, quê nhà càng trở nên gần hơn. Khi xa xa thấy thấp thoáng mấy tấm bảng quảng cáo to tướng, tôi biết mình đã về đến cầu Mỹ Thuận. Hành khách trên xe ai cũng cảm thấy hân hoan khi sắp đến nhà. Vài người đã líu tíu nhắc với bác tài cho họ xuống ở Cái Tàu, Nha Mân.
Xe vù vù chạy lên cầu. Hai bên là những cảnh tượng thật tuyệt đẹp. Những sợi dây cáp của chiếc cầu nhìn từ đàng xa ngỡ như rất nhỏ bé nhưng khi đến gần chúng trở nên rất to lớn và cứng cáp như những cây cột nhà. Từ trên cầu phóng tầm nhìn ra xa là ngút ngàn một màu xanh của những vườn trái cây trông như một tấm thảm khổng lồ. Con sông Tiền như một tấm lụa phấp phới vắt ngang tấm thảm xanh biếc như để góp thêm một gam màu tươi mát cho bức tranh thiên nhiên trầm lặng.
Đoạn đường từ Mỹ Thuận về Sa Đéc thật lắm chông chênh. Hai năm trước đây khi người ta hô hào việc nâng cấp Quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống, người dân trong vùng hết sức hân hoan mong đến ngày có được một con đường rộng, láng và đẹp. Ấy vậy mà đến nay con đường vẫn ngỗn ngang cát đá. Đoạn đường thuộc Vĩnh Long có thể coi như đã xong, còn đoạn của Đồng Tháp thì vẫn là một công trường vĩ đại đi cùng năm tháng.
Chiếc xe giờ đây như một con tàu đang vượt sóng lớn giữa đại dương. Lúc thì nhô lên, lúc thì chuối xuống; người ngồi trên xe bao phen giật thót lên mỗi khi xe qua những đoạn có nhiều ổ gà. Ở hai bên đường, những căn nhà phủ đầy bụi cát; cây cối trông như những anh công nhân vất vả lâu ngày không được tắm rửa. Người dân ở đây dường như cũng đã học được cách sống chung với bụi. Một bác đang đứng trước nhà tưới nước cho đoạn đường; nhiều căn nhà không biết tự bao giờ đã có những tấm bạc che kín trước cửa.
Tôi thật sự ngán ngẫm khi đi qua con đường này, làm thế này thà không làm còn hơn! Nhiều người đồn đại rằng nhà thầu làm con đường đã bỏ trốn. Nhưng không lẽ vì thế mà bỏ mặc con đường còn đang dang dở hay sao? Thật tội nghiệp con đường khốn khổ, chắc các quan không có dinh thự ở đây nên không chút mải mai để ý đến nó. Từ gần mấy mươi năm nay, khi người ta chọn được thủ phủ mới cho tỉnh, và họ cũng đã mở được con đường mới để đến đó mà không cần đi qua Sa Đéc, cái thị xã vốn đã cổ xưa càng trở nên tụt hậu, ngay cả con đường huyết mạch để đi đến đó họ làm cũng cà tàng khiến nó giờ đây trở thành một chướng ngại bất đắc dĩ cứ ngày ngày trêu người đi đường, thách thức sự kiên nhẫn và sức chịu đựng của họ.
Sau bao nhiêu dằn xốc, sau bao nhiêu lắc lư, sau bao nhiêu nhấp nhô, chiếc xe cũng hoàn thành được sứ mạng vượt qua các chướng ngại để tiến gần hơn đến Sa Đéc. Giờ đây xe đang đi qua xóm lò gạch. Ở đây có rất nhiều cơ sở sản xuất gạch, phần lớn đều nằm ở cái cồn cách con đường bởi một đoạn của con sông Tiền chảy qua đây. Bên kia cồn, các lò gạch nằm gần như san sát nhau, trông như những cái trứng khổng lồ bị cắm dựng đứng xuống đất. Không biết người ta đã tìm đất ở đâu đem về nung gạch mà trong suốt bao nhiêu năm qua các lò vẫn ngày ngày âm thầm sản xuất ra những viên gạch ống, gạch thể, những miếng ngói, những miếng gạch tàu để cung cấp cho cả một vùng rộng lớn.
Dọc đường đi, nhiều hành khách đã xuống rải rác. Khi xe chạy vào địa phận Sa Đéc, trên xe chỉ còn khoảng phân nửa số người ban đầu. Thị xã nhìn tổng thể thấy rất bề bộn. Mặc dù đã ở trung tâm nhưng các con đường cũng gồ ghề; phố xá thiếu sự ngăn nắp; những vũng nước mưa, những bụi cỏ, những đống phế liệu, tất cả làm cho thị xã thiếu mất sự văn minh. Ở một thị xã khác của tỉnh, con đường nào cũng rộng, láng, sạch; còn ở đây đường phố xuống cấp như miếng vỏ chanh vừa bị vắt hết nước.

Qua cầu Hoà Khánh là đến ngay chợ Sa Đéc. Từ trên cầu nhìn thẳng về phía chợ là một hàng dù của các sạp hàng nối tiếp nhau trông như những cây nấm mọc xếp hàng dọc theo bờ sông. Xe cũng đã đến bến. Một số hành khách xuống xe, một số vẫn nán lại đợi lát nữa bác tài đưa về tận nhà. Nhà tôi tuy không gần đây lắm nhưng cũng không quá xa. Do đó tôi quyết định xuống xe và đi bộ về nhà, chủ yếu là để có cơ hội ngắm nhìn lại thị xã. Vài năm trở lại đây khu vực xung quanh chợ có nhiều biến chuyển. Nhiều căn nhà và cửa hàng mới mọc lên làm cho bộ mặt thị xã thêm phần sáng sủa nhưng chúng cũng chỉ như vài tấm vải nhung vá lên một chiếc áo đã sờn vai. Tôi vẫn mong có ngày thị xã sẽ khoác lên mình chiếc áo mới tươm tất và lộng lẫy.
Nắng sớm chiếu rọi khắp nơi sưởi ấm cho thị xã bé nhỏ nằm cạnh sông Tiền lộng gió. Tôi rạo bước về nhà trên con đường quen thuộc. Xa xa tiếng nhạc xập xình từ quán cà phê, tiếng người mua bán í ới, tiếng xe chạy vù vù, tiếng mấy bác xe ôm líu ríu mời, tất cả hoà trộn lại tạo nên một cảm giác thanh bình, hiền hoà và thân ái của quê hương.