27/12/07

Cuối năm

Một năm nữa sắp đi qua. Nhanh thật, thấm thoát mà Tết lại sắp đến, mình lại già thêm một chút. Năm rồi, cuộc sống của mình cũng có chút thay đổi. Lớn nhất là việc chuyển nhà trọ. Như một quy luật tự nhiên, cái đến thì cũng phải đến, hợp rồi ắt phải tan. Những ngày rong rủi khắp phố phường Saigon để dò hỏi nhà trọ quả là những kỷ niệm khó quên. Giờ mình cũng đã dần quen với môi trường sống mới, ở một mình trong một căn phòng nhỏ trên gác, ngày ngày tắm nước giếng, cuối tuần không còn cơ hội nấu canh rau, đêm nào cũng phải nghe nhạc sến hải ngoại từ phòng bên cạnh đến tận khuya.

Về việc làm, mình vẫn dậm chân tại chỗ, có thay đổi chăng là mình chuyển sang dự án khác, phù hợp với mình hơn. Mình cũng chẳng giỏi giang gì nhưng cũng an ủi được một nỗi mỗi khi dự án có kế hoạch giảm người, mình đều bị giữ lại. Cũng nhiều lúc muốn chuyển chỗ làm nhưng rồi lại thôi; cũng có vài lời mời gọi nhưng mình đều từ chối. Có lẽ mình thiếu tự tin, thích sự ổn định và hơi lo xa. Năm rồi mình tham gia hoạt động của công ty nhiều hơn, đi du lịch cùng nhóm, tham gia chạy Terry Fox, thi nói Tiếng Anh, giam gia chiến dịch giúp công ty trở thành Gold Partner cuả Microsoft; còn hát karaoke và ăn uống thì nhiều không nhớ nỗi.Vui nhất là việc mình đã tạo ra phiên bản mới cho câu lạc bộ Tiếng Anh của nhóm, giúp nhóm mình trở thành một trong những nhóm có điểm trung bình Tiếng Anh cao nhất nhì công ty.

Về tài sản, mình có được một chiếc xe honda mới, chỉ là một chiếc xe bình thường như muôn vàn chiếc xe trên đường nhưng mình rất quý nó bởi nó là công sức của ba, của mẹ và mình. Ngày cùng ba chạy xe từ Sadec lên Saigon, mình đã có những trải nghiệm thật đáng nhớ. Vì phải chuyển nhà, mình buộc lòng phải bán đi chiếc xe đạp đã nhiều năm gắn bó, hơi buồn một chút. Tài sản mất mát lớn nhất của mình là con Tô yêu quý. Cái gì đến rồi cũng sẽ đến mà, hợp rồi ắt phải tan mà! Chỉ mong Tô dù ở thế giới nào đó vẫn luôn xinh xắn, dễ thương và luôn vui tươi.

Chuyện tình cảm cuả mình. Biết nói sao đây nhỉ, cũng không có gì tiến bộ, có chăng là mình đã nghĩ thông suốt và quyết định để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên, không gượng ép. Năm rồi mình đã đi dự đám cưới của hai bạn cùng lớp. Lần nào mình và các bạn cũng lên hát hò thật huyên náo. Tin cưới của bạn bè tới tấp mang đến cho mình nhiều cảm giác thú vị. Có đám cưới được thông báo trước những nửa năm để mình chuẩn bị, cũng có đám cưới bất ngờ đến mức mình chỉ hay tin trước một ngày và chỉ có thể gửi tin nhắn để chúc mừng bạn.

Còn nhiều chuyện nữa xảy ra trong năm rồi mà mình chưa nhớ hết và cũng không tiện đưa lên hết. Một ngày cuối năm 2007, ngồi một mình trong căn gác nhỏ, mình hồi tưởng lại những chuyện đã qua, bâng khuâng chờ năm mới và nghĩ về quy luật của thời gian:

Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Còn mình thì chỉ mơ ước sẽ là:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời

2/12/07

Chạy Terry Fox 2007

Hôm nay tôi tham gia cuộc chạy bộ Terry Fox 2007 tại Phú Mỹ Hưng. Đây là hoạt động được tổ chức hằng năm nhằm gây quỹ nghiên cứu bệnh ung thư. Từ khi đi làm đến giờ tôi đã tham gia chạy hai lần, lần nào cũng có cảm giác thật vui vẻ và thú vị. Mỗi người tham gia chạy sẽ ủng hộ 75.000 VNĐ cho quỹ, nhưng tôi không phải bận tâm chuyện đó, mọi thứ đã được công ty chuẩn bị. Những người ở công ty tham gia chạy được phát cho một áo thun đồng phục và một cái nón kết. Sáng nay tôi phải dậy sớm vào lúc 6 giờ và chạy xe máy ra Phú Mỹ Hưng. Ở ngoài này có rất nhiều tòa nhà khu dân cư rất hiện đại, đường phố rất sạch sẽ và thoáng mát. Khi tôi đến đã có rất đông người tập trung tại một bãi đất trống, nơi đó người ta dựng lên những mái che và trương lên nhiều băng rôn cổ động cho cuộc chạy. Như mọi năm, một ban nhạc nước ngoài đã đuợc mời đến để trình diễn. Lực lượng tham gia đông đảo vẫn là nhân viên của những công ty Việt Nam, ngoài ra còn có nhiều người Âu Mỹ và cả Hàn Quốc. Mỗi người một vẻ, có người mang theo cả em bé nằm trong xe nôi, có người dắt theo những con thú yêu, có người thì đi xe đạp, phía sau thường chở theo một em nhỏ. Bọn trẻ nước ngoài thì thường đi patin, hay chạy xe đạp mà không quên đội mũ bảo hiểm.

Sau một hồi tập trung nói chuyện, đeo bảng số, và ăn sáng với những ổ bánh mì và bánh bao công ty mang theo và cả chụp hình lưu niệm, cuộc chạy được bắt đầu.Nói là chạy nhưng thật ra chỉ có khoảng 1/3 những người tham gia là chạy thật sự, phần còn lại chỉ đi bộ. Phần lớn người đến đây chủ yếu là tìm sự thư giản thông qua hoạt động xã hội này. Tôi và các bạn đi cùng chạy được một đoạn rồi sau đó cũng đi bộ, vừa đi vừa nói chuyện phím, bàn luận vể cảnh vật, con người xung quanh và ai cũng mơ ước một ngày nào đó mình cũng có một căn nhà taị đây. Mỗi lần ngoái lại phí sau tôi luôn thấy một hàng người đông đúc đến hàng km và chỉ có thể phân biệt các công ty, tổ chức thông qua những màu sắc khác nhau của các bộ đồng phục đỏ, trắng, đen, xanh đủ cả. Công ty tôi làm có gần 350 nhân viên tham gia nên đi đến đâu cũng thấy màu áo xanh quen thuộc. Đi cũng không mệt lắm nhưng cũng đủ để mỏi cặp chân. Về đến đích, mọi người lại xúm xích dưới những bóng cây để nghỉ ngơi và ăn uống, đồng thời cũng không quên để ý đến bảng kết quả rút thăm trúng thưởng. Tôi nán lại thêm một chút để nói chuyện với các anh chị em trong công ty và lấy giấy chứng nhận tham gia cuộc chạy, chủ yếu là muốn có cái gì đó kỷ niệm về hoạt động này. Tôi ra về khi nắng bắt đầu lên cao, lòng thầm nghĩ năm sau mình sẽ lại tiếp tham gia hoạt động đầy ý nghĩa này.

Một số hình ảnh từ công ty:

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

16/11/07

Nghĩ về thttp://www.blogger.com/img/blank.gifhầy

Ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, mỗi người ai cũng muốn nhân dịp này để bày tỏ sự kính trọng của mình với thầy cô, những người đã dạy dỗ cho mình nên người. Với tôi thuở nhỏ được học với rất nhiều thầy cô. Với mỗi người tôi không chỉ được học những kiến thức chuyên môn mà còn đuợc chia sẻ những cách sống, được nhận những lời động viên, định hướng giúp tôi vững bước vào đời. Riêng với thầy chủ nhiệm, người đã dạy tôi suốt bảy năm học phổ thông, tôi đặc biệt có nhiều ấn tượng sâu đậm. Những lời dạy, nhắn nhủ động viên ngày nào của thầy vẫn còn tươi nguyên và luôn mãi theo tôi.

Vào lớp Sáu, mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ, truờng mới, lớp mới, thầy cô mới. Giờ Toán, lớp đuợc học với một thầy giáo còn khá trẻ lại vui tính. Ngày đầu tiên làm quen với lớp, thầy giới thiệu về bản thân bằng cách viết tên đầy đủ lên bảng với những nét chữ nắn nót mà bọn học trò nhìn vào đứa nào cũng tấm tắc khen đẹp. Trong các môn học ở phổ thông thì môn Toán chiếm nhiều tiết nhất trong tuần nhưng lúc đó, năm lớp Sáu, tôi vẫn mong giờ học Toán sẽ dài ra mãi, học mà thỉnh thoảng lại xem đồng hồ, cứ sợ giờ Toán sẽ hết. Dẫu rằng càng về những năm học sau, tôi không còn cảm giác đó nữa, thậm chí đôi khi còn mong muốn ngược lại nhưng dù sao những sở thích trong sáng ngày đó thật là đáng yêu bởi tôi nhận ra rằng lúc đó tôi thích cái không khí vui vẻ của giờ học và ngưỡng mộ nguời thầy vui tính hơn là yêu thích môn Toán. Năm học đó thật là vui, chẳng hiểu vì lý do gì mà mỗi khi thầy vào lớp, thay vì chào thầy bằng câu "Nghiêm Học sinh" như thông thường thì lớp tôi lại dùng câu tiếng Anh "Good afternoon"; thầy cũng không hề phiền trách mà vẫn chào lại lớp cũng bằng câu tiếng Anh. Có lẽ lớp tôi sẽ mãi chào thầy bằng câu đó nêu như sự việc không đến đến tai cô chủ nhiệm và không bị cô cấm bởi cô cho rằng như vậy bỡn cợt, thiếu nghiêm túc đối với thầy.

Sang lớp Bảy, thầy bắt đầu chủ nhiệm lớp và từ đó thầy chủ nhiệm đến năm Muời Hai. Học với thầy suốt bảy năm, lớp chúng tôi có dịp chứng kiến những sự kiện gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của thầy. Thầy vốn là một giáo viên cấp Ba, lớp tôi là lớp đầu tiên thầy xuống dạy cấp Hai để "dẫn dắt" ngay "từ thuở ban sơ"; và cũng chính năm đó thầy bắt đầu dạy và bồi dưỡng học sinh lớp chuyên chọn sau nhiều năm nổ lực phấn đấu. Năm bắt đầu dạy lớp tôi, thầy 28 tuổi và chưa có gia đình. Năm sau chúng tôi hân hoan hay tin thầy đám cưới. Càng hảnh diện về thầy mình hơn khi vợ thầy là một cô giáo vô cùng xinh đẹp của trường, người mà mỗi khi đi ngang qua dãy lớp nào cũng khíến bao nhiêu cặp mắt học trò phải nhìn theo. Rồi đến khi thầy có con đầu lòng, đến đầy tháng của em bé, chúng tôi đuợc thầy cô đãi món chè và xôi thật ngon. Chúng tôi học với thầy từ những năm thầy cô còn ở trên lầu một của một căn nhà cũ và đến khi thầy xây đuợc căn nhà mới khang trang hơn chúng tôi cũng có dịp chứng kiến và chia vui cùng thầy. Những cột mốc đó quả thật là khó quên, và tôi cảm thấy mình may mắn khi là một trong những học sinh được học với thầy trong khoảng thời gian có nhiều sự kiện quan trọng ấy.

Học với thầy nhiều năm tôi cũng ít nhiều chịu sự ảnh hưởng từ thầy. Cái đầu tiên là chữ viết. Tôi rất thích nét chữ của thầy, rất sắt gọn, cứng cáp nhưng cũng không kém phần uyển chuyển, thanh tao. Thầy có cách viết chữ hoa rất đặc biệt, lúc nào cũng bắt đầu bằng một vòng tròn xoán ốc, ví dụ khi viết chữ B thì thầy sẽ vẽ vòng tròn xoắn ốc ngay trên đỉnh, sau đó kéo một đường cong xuống dưới, rồi gắn thêm một nửa vòng tròn nhỏ phía bên phải. Cách viết chữ G hoa của thầy cũng rất lạ; đó là sự lắp ghép của chữ C viết to và số 7 viết nhỏ và hơi cong. Lúc đầu tôi vẫn hay nhìn nhầm lẫn giữa chữ G và số 6 nhưng sau đó chú ý rõ cách viết của thầy, tôi rất thích và viết theo đến tận bây giờ. Tập toán của tôi là nơi mô phỏng lại những cách viết và trình bày của thầy với những chữ hoa xoắn ốc, những chữ viết thẳng không đá nét, hay những tựa bài lúc nào cũng được bao bọc bằng một nửa khung hình bầu dục. Rồi đến chữ ký cũng theo phong cách của thầy với một chữ h đá nét lên thật cao ở cuối cùng. Thời đó, có những lúc tôi nhìn vào sổ liên lạc để suy đoán thứ tự những đường nét trong chữ ký của thầy để tập ký theo, rồi sau đó chỉnh sửa lại một phần để tạo ra chữ ký cho riêng mình. Và tôi đã tạo ra một chữ ký đuợc nhiều bạn bè khen đẹp và dĩ nhiên tôi đã dùng chữ ký đó đến hôm nay.

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in nhiều câu nói thấm đẫm tình cảm của thầy dành cho lớp. Những năm ở cấp Ba, thỉnh thoảng thầy lại nhắc: "Dạy tụi nó từ lúc đứa nào cũng nhỏ nhỏ thế này, mà giờ đã có nhiều đứa cao hơn cả thầy rồi". Những lần như thế, tôi đều cảm thấy có cái gì đó rất thiêng liêng trào dâng trong lòng vì lời nói đó đúng hoàn toàn với bản thân tôi. Còn nhớ, hồi đầu năm lớp Mười, khi vừa trải qua một cuộc thi tuyển để chọn lại lớp, phần lớn những thành viên của lớp Chín cũ đều tiếp tục vào lớp thầy chủ nhiệm, thầy đã nói rằng:"Lại gặp toàn những gương mặt cũ. Chán chết". Không biết bạn bè tôi nghĩ sao, chứ tôi thì thấy câu nói đó chuyển tải cả một niềm tự hào của thầy bởi những đứa học trò nhỏ ngày nào sau bốn năm được thầy dẫn dắt đã không phụ lòng thầy, đã vượt qua được một cuộc thi gam go để được cùng thầy tiếp tục chinh phục những thử thách mới trên con đường học vấn. Có một lần thầy nhắc nhở chúng tôi về cách sống khi bước vào đời, và lời nhắn nhủ đó của thầy tôi luôn ghi nhớ và xem đó như là một trong những nguyên tắc sống của mình. Đó là trong cuộc sống thì phải biết sòng phẳng. Sòng phẳng theo cách hiểu của tôi là phải sống có trước có sau, có tình có nghĩa, sống minh bạch, phân biệt ghét-thương rõ ràng. Rồi năm cuối cấp cũng đến, ai nấy cũng tất bật chọn trường đại học để thi vào. Lúc đó tôi chọn thi ngành công nghệ thông tin của Đại học Khoa học Tự nhiên nhưng thú thật cũng không tự tin lắm. Khi thầy hỏi tôi thi ngành gì và nghe tôi nói lại nguyện vọng của mình, thầy thoáng suy nghĩ khoảng 10 giây rồi nói: "Thôi cũng được đi". Phải nói thật lòng là bốn chữ ngắn gọn đó của thầy là niềm khích lệ vô cùng lớn lao với tôi tại thời điểm đó bởi tôi cảm thấy mình đã được thầy chứng nhận có đủ khả năng để thi. Dẫu rằng trước đó gia đình và bạn bè đã động viên tôi nhiều nhưng chỉ đến khi được nghe chính thầy nhận xét, tôi mới đủ tự tin để quyết định theo đuổi ngành học này. Lúc đó tôi hiểu bốn chữ nhận xét của thầy là: Em có thể thi được vào ngành đó nếu em cố gắng hết mình. Và kết quả thi đã rất phù hợp với nhận định của thầy, tôi đạt vừa đủ điểm để có mặt tại giảng đường đại học sau nhiều tháng miệt mài ôn luyện.

Đến giờ, sáu năm đã trôi qua kể từ ngày tôi và các bạn trong lớp xa mái trường phổ thông yêu quý để lên Saigon học tập và làm việc. Nhưng có một điều thật đáng quý là chúng tôi vẫn giữ đựơc truyền thống hằng năm họp lớp tại nhà thầy vào ngày Tết. Đó là dịp để chúng tôi về quay quần bên thầy, hỏi thăm sức khoẻ của thầy và kể cho thầy nghe về cuộc sống của mỗi đứa. Năm nào cũng vậy, vào buổi liên hoan hợp lớp, thầy lại đãi chúng tôi món rượu thầy đã cất công ngâm trong suốt năm, kể cho chúng tôi nghe về nguồn ngốc của thang thuốc quý thầy dùng ngâm rượu và hát cho chúng tôi nghe bài Diễm xưa da diết tình cảm. Dẫu rằng mỗi năm qua đi thầy lại già hơn một chút nhưng cái cách nói chuyện tươi vui và gần gũi với học trò của thầy thì vẫn thế, như ngày nào một thầy giáo trẻ vào lớp nói chuyện cùng đàn trẻ nhỏ và nắn nót viết tên mình lên bảng.

3/11/07

Tha hương

Trước đây khi mỗi ngày còn cọc cạch đạp xe từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà, tôi chẳng buồn để ý đến các loại xe gắn máy. Từ khi có được chiếc cub 78 mang từ quê lên tôi lại có thói quen nhìn các bảng số xe trên đường, vừa xem xe đó đuợc bao nhiêu "nút", vừa xem nó là xe của tỉnh nào. Và thật thú vị là khi đi trên bất kỳ đường nào ở Saigon tôi cũng gặp được những chiếc xe đến cùng một tỉnh với mình. Lúc đầu tôi cảm thấy rất vui vì gặp được người đồng hương, thậm chí đôi lúc còn thấy tự hào về số lượng đông đảo này. Nhưng bây giờ nghĩ lại không biết mà nên vui hay nên buồn vì điều đó nữa. Sự phân vân này đến với tôi khi vào một ngày kia trong đầu tôi chợt xuất hiện câu hỏi "Tại sao ở Saigon mình lại ít khi gặp xe của Cần Thơ nhỉ?". Từ đó tôi cũng chú ý kỹ hơn những đồng hương gặp được trên đường, về quần áo, tóc tai, vẻ mặt để thử suy đoán xem nghề nghiệp của họ tại nơi phồn hoa đô hội này là gì. Và tôi nhận ra rằng những đồng hương của tôi không phải ai cũng tươm tất áo quần hay bóng bẩy xe cộ mà có rất nhiều người lấm lem mặt mũi, nhuễ nhoại mồ hôi trong bộ đồng phục công nhân, phóng đi trên những chiếc xe mà bụi bám trắng cả hai bánh. 

Nghĩ lại bản thân, tôi thấy mình cũng như họ, bị cuốn theo dòng chảy đổ xô về những đô thị lớn để mưu sinh. Thắm thoát mà đã sáu năm từ ngày tôi đặt chân lên mảnh đất Saigon hoa lệ này, cũng là sáu năm tôi mang tâm trạng ly hương khắc khoải. Với tôi Saigon chưa là quê hương thứ hai bởi với Saigon tôi vẫn là một khách trọ, không có gì ràng buộc. Bản thân tôi cũng chưa tìm được lời giải hợp lý cho "bài toán chỗ ở" của mình. Về quê ư? Có rất nhiều tiện lợi, được sống với gia đình, có nhà để ở, có không khí trong lành để hít thở, có đường rộng thênh thang để chạy xe, có bà con dòng họ để san sẻ vui buồn. Duy nhất một cái không có: chỗ làm. Có lẽ ngày xưa khi chọn ngành học tôi không khéo léo chọn ngành mà có thể làm được ở mọi nơi. Trong trường hợp ở quê có nơi cần đi nữa, tôi cũng không nghĩ mình sẽ có cơ hội xin việc bình đẳng để chen chân vào được một chỗ làm ưng ý. Còn ở lại Saigon? Dù thích hay không thì đó cũng là chọn lựa hiện giờ của tôi, bởi một lẽ rất đơn giản, tôi phải làm việc và có thể tìm việc ở đây. Nhưng việc sẽ ở hẳn nơi này thì tôi chưa hề nghĩ tới. Biết bao giờ tôi mới có thể mua được một căn nhà ở cái nơi tất đất tất vàng này? Phải bỏ quê hương, bỏ căn nhà mà ba mẹ tôi đã cực nhọc bao năm mới xây được, rời bỏ tất cả những người thân thít để đến sống một nơi suốt ngày cửa đóng then cài, "đèn nhà ai nấy sáng" thì quả là một quyết định thật khó khăn cho một người luôn hoài cảm như tôi. 

Mỗi lần về quê, tôi vẫn thường ngồi chung xe với nhiều người cũng đang làm việc ở Saigon như tôi. Những dịp như thế không ít lần tôi chứng kiến những phong thái mới lạ của những người dân quê đã được Saigon hoá. Dù biểu hiện ra bằng cách này hay cách khác, tôi đều nhận ra rằng họ có vẻ rất hài lòng với hoàn cảnh hiện thời. Tôi đoán rằng họ đã tìm được lời giải cho "bài toán chỗ ở" của họ, vấn đề mà với tôi là vô cùng hóc búa. Nếu đúng như vậy thì cũng đáng mừng cho họ. Còn tôi, về rồi lại phải đi, vẫn tiếp tục cuộc sống tha hương. Có người đã nói rằng ai cũng có một quê hương để thương để nhớ nhưng Saigon mới là nơi để sống, làm việc và cống hiến. Người nói ra câu này ắt hẳn cũng là một người ngoại tỉnh đã rất yêu Saigon và chọn nơi đây là bến đỗ cho cuộc đời. Tôi vẫn trong giai đoạn kiểm chứng nhưng thật tình tôi không mong mình sẽ làm theo lời nói đó bởi tôi luôn đau đáu trong lòng câu hỏi nếu mình thật sự yêu quê và mong quê mình ngày càng phát triển thì liệu mình có vui không khi ngày càng có nhiều người dân quê mình phải làm thân tha thương để mưu cầu cuộc sống đầy đủ ở một nơi khác.

8/10/07

Kẹt xe ký sự


Dạo này thành phố bị kẹt xe trầm trọng, hầu như đường nào cũng kẹt xe, giờ nào cũng kẹt xe. Buổi sáng đi làm qua các bùng binh Ngã Bảy, Dân Chủ, chỗ nào cũng đông nghẹt xe. Nhưng dầu sao cũng còn khá hơn so với buổi chiều, cảnh tượng cứ như là kiến vỡ tổ. Chiều nay tôi ra về sớm hơn mọi ngày, đúng 5 giờ 30, nhưng phải đối mặt với cảnh xe cộ đầy kín các đường đi. Con đường Lê Văn Sĩ không đủ lớn để tất cả các loại phương tiện lưu hành cùng một thời điểm. Có hôm dòng xe đông đúc đến mức tôi không thể nào băng qua đường, đành đi vòng ra Nguyễn Văn Trỗi rồi mới quay lại Lê Văn Sĩ bằng đường Trần Huy Liệu.

Phải công nhận rằng, thời gian gần đây lượng xe hơi ở thành phố đông hơn hẳn. Đây đúng là một dấu hiệu đáng mừng nhưng kéo theo nó cũng có không ít hệ lụy. Một trong số đó là cảnh kẹt xe triền miên ở thành phố. Nhưng nếu chỉ xe hơi thì cũng không đủ sức làm tình trạng kẹt xe trầm trọng đến thế vì dù sao xe hơi cũng biết chạy đúng đường đúng lối, còn biết chừa đường cho xe honda; đâu như những chiếc xe buýt, đường nào cũng chạy như thể chuột chạy bờ ao. Không biết ở xứ người xe buýt văn minh hiện đại đến cỡ nào chứ ở xứ mình xe buýt vừa cản trở giao thông, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều lúc tôi tự hỏi không biết trong năm mười năm nữa có còn đường để đi không vì dân số thành phố tăng cơ học mỗi ngày. Nhớ ngày xưa tôi có học một bài thơ của Tú Xương trong đó có hai câu "Phố phuờng chật hẹp người đông đúc - Bồng bế nhau lên nó ở non". Chuyện có phải lên non ở hay không chắc còn xa lắm mới tính tới, hiện giờ chỉ biết trang bị cho mình cái khẩu trang thật tốt để có thể đủ sức đứng đợi giữa mịt mù khói bụi trong những lần kẹt xe sắp phải đối diện.

6/10/07

Ngôi sao lồng tiếng

Tôi vốn rất hay chú ý đến giọng nói; điều này có lẽ vì từ nhỏ tôi thường nghe radio. Quả thật, khi nghe một giọng nói truyền cảm tự nhiên mình tiếp thu được vấn đề một cách đầy hào hứng. Thần tượng của tôi không phải là ca sĩ hay diễn viên với bề ngoài bóng bẩy mà là những nghệ sĩ lồng tiếng, những người làm việc rất thầm lặng nhưng có những đóng góp vô cùng quan trọng.

Những ai đã từng xem qua các phim của TVB trong những năm 90 chắc chắn cũng phải thừa nhận rằng những phim này lôi cuốn khán giả không chỉ bởi nội dung, cách diễn xuất của diễn viên Hongkong mà còn nhờ vào đội ngũ lồng tiếng tuyệt vời tại Việt Nam. Làm sao tôi có thể quên được những lời giới thiệu vô cùng quen thuộc ở đầu mỗi phim:"Diễn viên lồng tiếng: Thế Thanh, Bích Ngọc, Trung Châu, Quỳnh Hoa, Nguyễn Vinh, Thanh Phúc, Thế Phương". Lời giới thiệu này theo thời gian có thay đổi do sự thay đổi lực lượng của Fafilm nhưng theo tôi nhóm lồng tiếng với bảy nghệ sĩ trên là xuất sắc nhất từ trước đến giờ.

Giai đoạn trước đó, khi ở Việt Nam chưa có nhóm lồng tiếng, người Việt Nam phải xem những phim được lồng tiếng Việt tại nước ngoài với những giọng nói mà tôi dám khẳng định chắc chắn rằng trong cuộc sống thực tế không một người Việt Nam nào lại nói như vậy. Nhưng vì thời đó còn thiếu thốn đủ thứ, có gì xem nấy, nên cũng không cần phải chê khen. Từ khi nhóm lồng tiếng phim TVB tại Việt Nam được thành lập thì người Việt Nam mới thật sự được nghe đúng giọng Việt Nam, không những rõ ràng trong cách phát âm mà còn biểu đạt tình cảm vô cùng phù hợp với từng bối cảnh phim. Thế Thanh thì giọng mạnh mẽ, Trung Châu thì có giọng mũi khàn khàn, Nguyễn Vinh thì giọng trong trẻo, Thế Phương lại có giọng êm ái. Bên phía các diễn viên lồng tiếng nữ thì Bích Ngọc có giọng ngọt ngào như đường phèn, Quỳnh Hoa thì có giọng êm đềm như gấm nhung, trong khi Thanh Phúc thì giọng lảnh lót. Đúng là mỗi người một vẻ phù hợp cho nhiều loại vai với đủ những tính cách khác nhau.

Trong các nghệ sĩ lồng tiếng này, ai tôi cũng khâm phục, nhưng nếu nói thích ai nhất thì bên nam tôi ái mộ nhất Thế Thanh còn bên nữ tôi rất mê Thanh Phúc. Thế Thanh với chất giọng khoẻ khoắn và cách diễn xuất rất nhập tâm đã mang đến sức sống cho những vai của Huỳnh Nhật Hoa, Cổ Thiên Lạc, Âu Dương Chấn Hoa, La Gia Lương. Tôi ấn tượng nhất với Thế Thanh qua vai Bao Công và Trư Bát Giới. Ở Bao Công thì cách lồng tiếng khẳng khái, nghiêm trang; còn khi lồng tiếng cho Trư Bát Giới thì lại hài hước, lém lỉnh. Thanh Phúc thì rất tuyệt vời khi hầu như có thể diễn xuất hoàn hảo cho đủ loại vai từ dữ đến hiền, từ đanh đá đến dịu dàng, từ cô gái trẻ trung đến người phụ nữ đứng tuổi. Trong lồng tiếng, việc lồng tiếng cười không phải là dễ, nhất là những tràng cười nham hiểm của kẻ ác. Thanh phúc đã làm được điều đó hay đến mức tuyệt vời, lôi cuốn khán giả hoà mình vào từng chi tiết của phim. Tôi vẫn thường hay so sánh Thanh Phúc của nghề lồng tiếng cũng như Lệ Thuỷ của cải lương, luôn khiến khán giả phải khóc, phải cười theo từng nhân vật được chị lồng tiếng.

Giờ đây, sau hơn mười năm miệt mài mang đến cho khán giả Việt Nam những bộ phim nước ngoài nhưng giọng nói và cách diễn xuất rất Việt Nam, "thế hệ vàng" của tổ lồng tiếng phim TVB đã có những thay đổi trong công việc. Thế Thanh thì đã có phòng thu âm riêng tại nhà, còn Thanh Phúc thì chuyển sang bộ phận kỹ thuật lồng tiếng. Đã từ nhiều năm nay tôi cũng không còn theo dõi phim bộ TVB, phần vì đi học xa nhà, phần vì không còn nhiều hào hứng như xưa bởi dàn diễn viên lồng tiếng "toàn sao" không còn tham gia đầy đủ. Với tôi, khi xem một bộ phim thì chất giọng của các diễn viên lồng tiếng quyết định hơn 50% sự hấp dẫn của bộ phim, có lẽ vì tôi thích "nghe phim" hơn là xem phim. Những đóng góp của các nghệ sĩ lồng tiếng tuy rất đỗi thầm lặng nhưng lại vô cùng có giá trị. Nhờ có họ mà người Việt Nam được xem những bộ phim với những giọng nói Việt chuẩn xác, không pha tạp, lai căn như các phim xưa. Họ là những ngôi sao thực sự, ít nhất là với tôi mà những người yêu thích nghệ thuật lồng tiếng. Bây giờ thỉnh thoảng khi xem TV lúc bắt đầu một bộ phim Hongkong, tôi lại nghĩ đến họ và tôi tự đọc lại những lời giới thiệu quen thuộc ngày xưa: "Diễn viên lồng tiếng: Thế Thanh, Bích Ngọc, Trung Châu, Quỳnh Hoa, Nguyễn Vinh, Thanh Phúc, Thế Phương".

Tham khảo:
Thông tin về việc lồng tiếng của Fafilm VN
Nhận xét về cách lồng tiếng

15/9/07

Ngày tốt nghiệp của em gái

Hôm thứ Sáu vừa rồi, tôi đi dự lễ tốt nghiệp của em gái. Hôm đó với tôi là một ngày thật vui và đầy ý nghĩa.

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

Image

31/8/07

Liên lạc thông suốt

Hôm nay tôi kết nối Internet được trở lại sau ba tuần gián đoạn vì chuyển nhà. Lúc đầu khi vừa biết tin phải dọn nhà, tôi đã chuẩn bị tinh thần cho việc sống không có Internet ở chỗ mới. Khi hỏi thăm mới hay ở nơi mới này truớc đây đã có Internet dùng chung với truyền hình cáp, tôi cảm thất thật hân hoan. Nhưng khi dọn đến ở mới hay Internet của hãng truyền hình cáp chỉ giới hạn hai người truy cập cùng lúc mà ở nhà số người có nhu cầu xài lại lên đến năm. Thế nên việc dùng Internet coi như khó mà được thuận tiện như truớc đây. Và quả thật như vậy, với loại dịch vụ này, tôi chỉ có cơ hội dùng được Internet một lần duy nhất từ khi chuyển qua đây ở.

Tôi lại nghĩ đến việc chuyển đường dây Internet mà tôi đã có ở nhà cũ sang đây nhưng việc này phải tốn phí chuyển chỗ, ít nhất là 300 ngàn. Tôi đã bày tỏ ý kiến của mình cho các bạn ở cùng nhà trọ và mọi nguời đã đồng ý cùng hùn tiền để chuyển dịch vụ. Tôi hồ hởi chạy ra hãng cung cấp Internet để làm thủ tục chuyển chỗ thì mới biết tin rằng nếu vị trí mới cách xa vị trí cũ hơn 300 mét thì phải tốn đến 800 ngàn. Số tiền tự nhiên đội lến quá cao, tôi đành thất vọng nghĩ đến việc kết thúc việc dùng Internet. Nhưng cũng thật may mắn tôi đuợc một nhân viên kinh doanh của công ty cho biết là nhà trọ mới của tôi nằm trong khu vực được khuyến mãi tức là nếu đăng ký mới sẽ được miễn phí lắp đặt hoàn toàn.

Vậy là ngay lặp tức tôi quay lại công ty để hỏi rõ thông tin và ngay trong sáng hôm đó tôi tiến hành đang ký hợp đồng lắp đặt Internet mới. Hiện thời tôi đã có sẵn modem, switch thì ở nhà trọ cũng đã có nên chỉ cần kéo đường dây đến là có thể dùng được. Công ty cung cấp cũng rất mau mắn, chỉ trong vòng ba ngày thì Internet đã được kéo đến. Và hôm nay là ngày đầu tiên tôi dùng lại được Internet tại nhà nhờ có đường dây mới này nên tôi rất đỗi vui mừng và viết ngay một bài trên blog để chia sẻ cùng mọi người. Và một điều vô cùng thú vị nữa mà đến khi các nhân viên lắp đặt đến nhà tôi mới biết, đó là tôi đuợc tặng một modem 4 cổng để dùng. Thật không còn gì vui hơn nữa! Từ nay tôi đã có thể giữ liên lạc thông suốt với tất cả bạn bè và có điều kiện thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.

14/8/07

Căn phòng nho nhỏ

Vậy là tôi đã chuyển qua chỗ ở mới đuợc bốn ngày. Cuộc sống cũng đã dần đi vào ổn định. Căn phòng tôi ở nằm trên một cái gác gỗ, nhỏ hơn phòng cũ của tôi, dù vậy nhưng do ở một mình nên cũng có thể xem là rộng rãi. Thích nhất là căn phòng có một cửa sổ, một cửa cái, mở cửa ra là có thể bước ra ban công đứng để hóng mát. Tôi hoàn toàn sở hữu cái ban công này và đã nảy ra một số ý tưởng cho việc sử dụng nó. Tôi sẽ mua một chậu hoa về để trồng và loại hoa tôi chọn chính là hoa lài bởi nó rất thơm và hương lan toả đi xa.

Tôi đã đặt bàn học ở cạnh cửa sổ. Từ nhỏ tôi đã mơ ước có một góc học tập ở ngay cạnh cửa sổ ở trên gác để có thể đón nhận ánh sáng tự nhiên của mặt trời hay để thỉnh thoảng nhìn ra xung quanh để thư giãn và phía ngoài là những cành cây xanh xoè tán rộng che bóng mát. Căn phòng này không đáp ứng hoàn toàn những mơ ước của tôi nhưng phần nào cũng mang đến cho tôi những cảm giác yên bình và thư thả. Đứng ở ban công nhìn lên lầu hai của nhà kế bên là thấy hai cặp bồ câu ở trong hai cái hộp gỗ nhỏ nhắn, chúng lúc nào cũng bay qua bay lại giữa cái hộp và sợi dây địện đối diện và phát ra những tiếng kêu "gu gu" như thể đang trò chuyện với nhau.

Ở nhà duới chủ nhà có nuôi một con gà trống và một con chó. Từ lúc đến đây tôi chưa nghe tiếng con gà gáy bao giờ; nó chỉ đi lẩn quẩn quanh một góc nhà, thỉnh thoảng thì vỗ cánh bay lên đứng trên xà nhà. Còn con chó thì lúc tôi mới đến nó cứ gặp tôi là sủa oang oang, nhưng nó trông có vẻ hiền nên tôi cũng thích nó. Tính tôi vốn yêu chó mà! Tôi thấy nó vẫn chưa có tên nên quyết định sẽ gọi nó là Tô, giống tên con chó ở nhà tôi. Bây giờ thì nó đã quen hơi tôi rồi nên không còn sủa như trước nữa, có thể vài hôm nữa nó sẽ trở nên thân thiện với tôi hơn.

Tôi vẫn chưa dọn hết tất cả đồ đạc sang chỗ ở mới nên khi rảnh rỗi vẫn ghé sang chỗ cũ để mang sang từ từ. Hai chỗ cũng gần nhau nên cũng dễ dàng để vận chuyển. Bây giờ tôi đã dần quen với môi truờng sống mới. Dần dần tôi sẽ làm cho căn phòng của mình thêm phần đẹp đẽ và ấm cúng. Sẽ còn nhiều thứ còn phải làm và từ từ tôi sẽ đạt đuợc những mục tiêu của mình.

10/8/07

Nhà trọ mới

Vậy là cuối cùng tôi cũng tìm được một phòng trọ cho mình và giải toả mọi lo lắng về chỗ ở trong nhiều tuần qua. Qua lần này, tôi có cơ hội cảm nhận được những sự quan tâm của gia đình, bạn bè và người thân dành cho mình. Trong mấy tuần qua, hễ gặp ai tôi cũng nhận được một câu hỏi rất quen thuộc "Tìm nhà được chưa?". Mặc dù lần nào tôi cũng lặp lại cùng một câu trả lời là vẫn chưa tìm được nhưng trong lòng cảm thấy ấm áp và hân hoan. Thì ra việc chuyển chỗ ở của mình cũng gây "tiếng vang" nhất định khiến ai cũng phải quan tâm. Sau khi viết một bài trên blog nói về việc tìm nhà trọ, tôi đã nhận đuợc nhiều lời động viên và chỉ dẫn của rất nhiều bạn bè. Mỗi người một cách, có bạn thì để lại những lời cảm nhận trên blog, có bạn thì chat để hỏi thăm, có bạn thì gặp trực tiếp để chỉ. Tôi thật sự rất cảm động truớc những tình cảm nồng ấm đó mà các bạn đã dành cho mình.

Nhớ lại những lần đi tìm nhà trọ cũng thật vui. Hỏi thăm, đọc báo, tìm trên Internet rồi ghi ra đầy những địa chỉ, sau đó chạy hết chỗ này đến chỗ khác để dọ hỏi. Mỗi tuần tôi chỉ có hai ngày là Thứ Bảy và Chủ Nhật để đi tìm mà hầu như lần nào đi cũng nhằm ngày có mưa, dẫu không lớn nhưng cũng đủ làm tôi cảm thấy lạnh và cảm nhận được sự gian nan của việc tìm chỗ ở giữa một thành phố đông đúc và phức tạp. Có khi chạy vào những con đường lỗ chỗ đất đá cạnh những dòng sông đen ngòm ở quận 8, có khi đi vào những con hẻm quanh co với chằng chịt những dây điện trên đầu và những hàng quán bày la liệt. Có lúc đến nơi thì chẳng thấy chủ nhà đâu mà chỉ có cửa đóng then cài, cũng có lúc vừa đứng trước của nhà đã bị chó sủa rần rần khiến không chỉ chủ nhà mà cả hàng xóm cũng phải đến xem. Có một điều rất may mắn là trên đường đi tôi luôn gặp những người dân rất mực tử tế, luôn luôn sẵn sàng chỉ đường một cách rất cặn kẽ. Họ là những chị bán nước ven đường, anh thợ sửa xe đạp, bác gái đang đi chợ về; ai cũng cũng vui vẻ chỉ chỗ cho tôi.

Chiều Chủ Nhật tuần trước, sau khi đã trải qua hai ngày tìm kiếm mà vẫn chưa tìm được chỗ ở ưng ý, tôi cảm thấy thật mệt mỏi và chán nản. Tôi định không đi tìm nữa nhưng chợt nhớ ra một địa chỉ khá gần mà tôi đọc được trên báo nên tôi thử sang đó một lần xem sao. Vừa ra khỏi nhà không bao xa thì trời bỗng đổ mưa; tôi ngán ngẫm buớc vào một mái hiên để trú. Ai đó đã nói mưa Saigon giống như một cô gái đổng đảnh, chợt mưa đó rồi lại chợt tạnh ngay. Khi tôi chuẩn bị đi tiếp thì chợt nghe tiếng ai đó gọi. Tôi quay lại thì thấy một bà cụ tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào và gương mặt phúc hậu đang đưa tay vẫy vẫy gọi tôi. Tôi vừa đến gần thì bà đã nắm lấy tay tôi và nói "Cháu giúp dẫn bà qua đường nhé". Tôi vui vẻ nhận lời và cẩn thận dẫn bà qua đuờng. Khi đã qua lề bên kia, tôi mới hỏi bà: "Bà ơi, ở đây bà có biết chỗ nào cho thuê phòng trọ không?". Bà trả lời hiền từ "Cháu vào trong hẻm ở bên kia đuờng hỏi chị bán nước, chị ta biết nhiều nhà trọ lắm". Tôi cảm ơn bà rối rít rồi về lại lề bên kia để đi vào hẻm. Tôi quay lại định nhìn bà thêm lần nữa thì bà đã đi đâu mất. Tôi chợt nhớ đến những tình huống trong truyện cổ tích và tự nhủ có lẽ bà là một bà tiên. Cho dù không phải tôi vẫn tin rằng bà đã mang đến cho tôi sự may mắn và chắc chắn tôi sẽ tìm đuợc chỗ trọ như mong muốn. Quả thật như vậy, ngay trong chiều hôm đó tôi đã tìm đuợc chỗ ở đáp ứng đầy đủ mọi sự mong đợi của tôi như phòng ở một mình, giá cả phải chăng, có chỗ để xe, đặc biệt còn ở chung nhà với nhiều nguời cùng quê và trong nhà đã có sẵn Internet. Còn gì bằng nữa, tôi đặt ngay căn phòng đó và hẹn sau một tuần nữa sẽ dọn qua. Tôi vui mừng gọi điện ngay về nhà để báo cho ba mẹ biết đồng thời chia sẻ tin vui với nhiều bạn bè.

Hôm nay, khi đang ngồi viết ra những dòng này, tôi vẫn còn đang ở chỗ cũ nhưng còn không đến một ngày nữa tôi sẽ chuyển qua chỗ ở mới. Phải xa một nơi đã gắn bó với mình nhiều năm thật không dễ dàng gì nhưng cuộc sống là như thế, luôn có những sự thay đổi. Nơi ở mới sẽ mang đến cho tôi một môi truờng mới và hoàn cảnh sống mới để tôi có điều kiện rèn luyện bản thân. Với tôi, việc tìm đuợc được chổ ở mới là rất vui nhưng vui hơn là tôi đã có dịp để cảm nhận những tình cảm ấm áp và chân thành từ bạn bè và những người khác ở xung quanh. Xin cảm ơn tất cả mọi người!

21/7/07

Sắp chuyển nhà

Không bao lâu nữa tôi sẽ phải chuyển sang một chỗ trọ mới. Chủ nhà đã thông báo sẽ lấy lại nhà vào cuối tháng Tám. Vậy là sau năm năm ở đây cuối cùng tôi cũng phải tìm nơi khác. Mặc dù chủ nhà đã nhiều lần nhắc đến khả năng này từ trước nhưng hôm hay tin chính thức tôi cũng hơi bỡ ngỡ. Tôi có thời gian một tháng rưỡi để tìm một nơi ở mới. Từ khi lên thành phố học đến giờ tôi chỉ ở hai chỗ, thứ nhất là ký túc xá Tân Phú khi học năm nhất ở Thủ Đức, thứ hai là nơi này khi tôi về học ở Saigon cho đến bây giờ. Ở đây rất thoải mái, nhà riêng biệt với nhà chủ mà trong nhà chỉ toàn người ở Sadec, mọi thứ đều gần gũi và thân quen.

Khác với nhiều bạn bè vốn chuyển chỗ thường xuyên, tôi chưa hề có chút kinh nghiệm nào về tìm nhà và dọ giá. Đúng là một thử thách đang hiện ra trước mắt.Nghĩ đến chuyện phải chuyển lĩnh kĩnh những đồ đạc, tôi cảm thấy thật ngán ngẫm. Sau bao năm sống ổn định ở đây, tôi đã vô tư mua đủ thứ đồ đạc, nào là bàn học, bàn vi tính, kệ sách, giá máng quần áo, rồi cả máy cassette, ti-vi và Internet nữa chứ. Riêng sách và tài liệu in ra giấy cũng phải tốn đến hai thùng to mới chứa hết. Nghĩ lại thấy ngày xưa mình học thật là quờ quạng. Cứ hễ thấy có quyển sách nào có chút gì đó liên quan đến môn học là mua ngay; mua về đọc không được bao nhiêu thì lại xếp xó. Bây giờ lục lại thấy nhiều quyển vẫn còn mới tinh như hồi mới mua.

Hiện giờ tôi phải thực hiện song song hai việc là tìm nhà mới và thu dọn mớ đồ đạc "phong phú" hiện thời. Tôi đã mua 3 thùng giấy to để dùng cho việc vận chuyển; một trong số đó đã được dùng để chứa phần lớn sách vở gởi về quê. Sau khi chất đầy sách vào, nó nặng đến mức tôi không tài nào nhấc lên nỗi. Trước khi chuyển đi có thể tôi sẽ về quê một lần để mang thêm một số nữa. Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ mua sách hay in tài liệu nữa cho đến khi có một chỗ ở thật sự cố định ở thành phố, nếu muốn đọc gì thì đọc liền tại nhà sách hoặc mua đĩa CD về xem.

Về việc tìm nơi ở mới, tôi đã hỏi thăm hai nơi nhưng một nơi đã hết chỗ, còn nơi kia vẫn chưa thấy trả lời. Thật lòng tôi muốn thuê một căn phòng để ở một mình, chật hẹp cũng không sao, miễn là có được một không gian yên tịnh để nghỉ ngơi khi đi làm về và mình được tự do muốn khi nào tắt đèn để ngủ. Có lẽ khó mà tìm được một nơi như vậy mà giá thuê lại không cao ngất ngưởng. Nếu không tìm đuợc nơi như mong muốn, tôi thật sự cũng muốn tìm được một không khí mới, khác với những gì hiện tại.Có lẽ khi đó tôi sẽ có một cảm giác mới mẻ để tập trung có hiệu quả hơn vào công việc và học tập.

24/6/07

Ngày cuối tuần

Có một câu hỏi mà tôi rất thường hay được hỏi, đó là "Bạn làm gì vào những ngày cuối tuần?". Và tôi thường trả lời câu hỏi này với tất cả sự bối rối. Nghĩ cho kỹ ngày cuối tuần của mình thật là bình thường và khá buồn tẻ. Bắt đầu từ tối Thứ Sáu, tôi háo hức tận hưởng những ngày nghỉ nhưng cũng chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi thư giản, không có nhiều kế hoạch gì. Những công việc tôi làm rất đỗi bình thường, chỉ thuộc loại những chuyện trong nhà. Việc đầu tiên là gọi điện về nhà để hỏi thăm sức khoẻ ba mẹ và để kể cho ba mẹ nghe những chuyện của tôi và em tôi ở thành phố. Hồi còn học đại học, cuối tuần nào tôi cũng mong điện thoại từ nhà gọi lên; còn bây giờ thì ngược lại, tôi chủ động gọi về nhà hằng tuần vì tôi hiểu ở nhà ba mẹ cũng mong điện thoại của tôi như ngày xưa tôi mong điện thoại của gia đình vậy.

Việc kế tiếp là giặt đống quần áo mặc trong tuần qua. Việc này tuy khá mệt nhọc nhưng nếu cứ để thêm ngày nào thì tôi lại càng có cảm giác mệt mỏi hơn thêm ngày đó. Ngày trước khi còn ở nhà, tôi giặt quần áo mỗi ngày, mỗi khi đi học về là tôi giặt ngay cái áo trắng vì lúc đó áo tôi rất dễ bị thâm kim do mồ hôi; còn mỗi chiều sau khi tắm rửa xong là tôi giặt liền bộ đồ mặc trong ngày. Khi học đại học thì cách hai ngày giặt một lần, dần dà chì giặt hai lần trong một tuần, còn bây giờ mỗi tuần chỉ giặt một lần. Mỗi tuần khi giặt đồ tôi thường đếm số móc quần áo mình phải dùng, thông thường là khoảng 14 đến 18 cái, phơi lên gần như chiếm hết cái sào nhỏ trong nhà trọ. Hoàn thành công việc này tôi như trút được một gánh nặng trong tuần.

Có một việc mà tôi cũng rất hay làm vào hai ngày cuối tuần là nấu canh rau. Những ngày đi làm phải ăn uống rất khô khan nên tôi dù muốn hay không cuối tuần nào cũng phải mua rau về ăn thêm để tránh các bệnh về tiêu hoá. Nấu canh cũng không có gì khó, chỉ cần mua rau và thịt về rửa sạch, sau đó nấu một nồi nước sôi rồi tống tất cả vào đó, cho thêm cục hạt nêm vô là ăn được. Phải công nhận rằng ăn cơm mà có thêm tô canh rau thì thật tuyệt, ăn thấy ngon hơn nhiều. Tôi thường nghe nói về những cư dân sống trên đảo; họ thường không có đủ rau xanh để ăn bởi rau ở đó rất mắc tiền. Nghĩ lại thấy mình cũng không khác họ là bao vì cũng có mấy khi mình có cơ hội ăn rau. Vì thế mà bụng bảo dạ dù muốn hay không cũng ráng nấu canh ăn trong hai ngày cuối tuần, bổ sung dinh dưỡng được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu mà!

Ngoài những việc trên, tôi dành thời gian còn lại để lướt web, đọc báo, nghe nhạc, xem tivi, tất cả đều diễn ra ở nhà. Thỉnh thoảng thì chạy ra nhà em cái để thăm nó hay nhằm khi có sinh nhật bạn thì cùng nhau đi ăn uống. Nhìn lại mọi người thấy họ tận dụng ngày nghỉ để kiếm tiền hay học thêm tiếng Tây tiếng u mà thấy mình thật kém cỏi quá. Đã nhiều lần tôi phải trả lời về những việc làm của mình trong ngày cuối tuần với những người tuyển dụng việc làm. Có phải đó là một trong những tiêu chí để họ đánh giá một người? Mỗi người với những mục tiêu sống khác nhau sẽ có những hành động cụ thể để đạt mục tiêu của mình. Với tôi, công việc và tiền bạc tuy không ít lần khiến tôi khốn đốn nhưng tôi vẫn quan niệm phải kết hợp hài hoà giữa làm việc và thư giản; khi đã về đến nhà thì không nên mang vác theo những tính toan hay niềm kiêu hãnh ở công ty. Hãy để bản thân mình thoải mái và cũng hãy để mọi người xung quanh không bị "ép tim".

22/6/07

Dường như ta chẳng

Heart And Key Glitters
Cuộc sống với nhiều điều bất ngờ luôn khiến người ta trải qua đủ những cảm giác vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ, yêu đời, chán nản. Trải qua một sự kiện, ta mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Như một con ếch vừa chui ra khỏi đáy giếng mới chợt nhận thấy bấy lâu mình quả thật ngây thơ, không biết trời cao đất rộng là gì. Nhiều lúc tự soi rọi lại chính mình mới thấy bây lâu mình quá mơ mộng và ảo tường, bản thân mình vẫn chưa thật sự toàn tâm toàn lực với một mục tiêu nào cả. Kết quả là ta chẳng có gì.

Hôm rồi tôi được nghe kể chuyện về người ấy, nghe rất nhiều chuyện, chuyện học, chuyện làm, chuyện ăn ở, chuyện vui chơi, và cả chuyện tình cảm. Hoá ra bấy lâu nay mình thật vô tư, có nhiều sự kiện rõ ràng theo kiểu "ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu"; và chính mình lại là cái người cuối cùng khờ khạo đó. Thực ra bản thân mình từ lâu đã nhận ra sự khác nhau giữa hai khoảng trời, một bên là cánh chim luôn khao khát những chân trời rộng mở, còn một bên là chú cá an phận bên cái ao nhà. Cánh chim luôn muốn vuơn cao và bay xa, mong ước sẽ được sánh cùng những cánh đai bàng dũng mãnh để che chở và tiếp thêm sức mạnh để thoả niềm khát khao chinh phục những vùng trời cao rộng. Còn chú cá nhỏ vẫn ngày ngày quanh đi quẩn lại một nơi, làm bạn cùng tôm tép và rong rêu.

Đã chẳng nhìn cùng một hướng thì ắt khó đi chung một đường nhưng chuyện tình cảm của người ấy đã làm tôi suy nghĩ thật nhiều. Bạn đã dám hết mình vì nó, dám bỏ mọi thứ để đến với nó. Tôi thôi không mơ mộng nữa, giờ mình đã nhận ra mình đang ờ đâu. Có lẽ không có gì là vui nhưng cũng không quá bi quan vì mình đã hiểu thêm nhiều điều từ cuộc sống sinh động, biết đuợc những điều hiện hữu ngoài đời thật mà bấy lâu mình chỉ thấy qua phim ảnh. Trên những chặng đường rong ruổi biết đâu một ngày nào đó cánh chim với nhiều khát khao cùng cánh đại bàng mạnh mẽ sẽ ghé ngang ao nhà để kể lại cho chú cá nhỏ nghe những câu chuyện thú vị mà họ đã gặp sau bao ngày bên nhau. Điều đó cũng là một một hạnh phúc cho tất cả bởi họ luôn là những nguời bạn tốt của nhau.


image hosting for myspace hosted images
Purple & Green Glitter Wildflowers Glitters

21/5/07

Xe mới

Vậy là cuối cùng tôi cũng có được một chiếc xe honda mới. Ba mẹ đã mua cho tôi vào dịp tôi về quê nghỉ lễ 30/4. Trước khi về quê tôi đã đồng ý mua loại xe mẹ chọn nhưng khi về nhà rồi trong lúc nói chuyện với mẹ tôi vô tình nói ra là mình không thích xe đó mà thích loại xe khác. Xe này thì đắt tiền hơn một chút nhưng mẹ vẫn đồng ý vì theo mẹ mua xe để chạy lâu dài thì nên mua loại mình thích nếu không sau này mình sẽ mãi tiếc rằng tại sao lúc trước mình không ráng bỏ thêm chút tiền hoặc ráng đợi thêm một thời gian nữa để mua được cái mình thích.

Xe mua xong nhưng phải đợi làm giấy tờ và bảng số. Sau gần mười ngày mọi thứ mới hoàn tất. Cuối tuần rồi tôi về quê để chạy xe lên. Việc đi lại từ nhà và thành phố bằng xe honda là việc mẹ tôi tuyệt đối cấm từ trước đến nay. Nhưng lần này mẹ đã cho phép tôi làm việc đó cùng với việc sẽ đi cùng với ba. Tôi xin nghỉ làm chiều thứ Sáu và đón xe về quê. Sadec nằm ờ trung tâm của châu thổ Sông Cửu Long nên đuờng đi từ Saigon về tuy không quá xa nhưng cũng đủ khiến người ta thấm mệt. Thông thường tôi đi xe khách cũng mất ba tiếng rưỡi đồng hồ nên tôi uớc tính nếu đi bằng xe honda chắc cũng tốn hơn bốn tiếng.

Có một điều thú vị là ngày tôi mang xe lên thành phố đúng vào ngày bầu cử nên khi thấy tôi về nhiều người bà con cứ tưởng tôi về là để "đi bầu". Trước khi về mẹ đã dặn dò tôi thật kỹ là nhớ mang nón bảo hiểm và kiếng mát về để dùng khi chạy xe lên. Nói đến hai món đó thì thật là buồn cười. Tôi đã mang chúng lên thành phố cả năm rồi mà chưa dùng đến lần nào bởi chiếc xe cub quá chậm chạp nên thường không được dùng để đi xa cho nên những món đồ bảo hộ đó cũng không có cơ hội được dùng tới. Và giờ đây tôi sẽ có dịp được dùng cái kiếng mát này, một món của một người ở Mỹ gởi tặng gia đình tôi như sự tri ân vì đã giúp người thân của người ấy nghe nhờ điện thoại.

Tôi chỉ có buổi tối Thứ Sáu và ngày Thứ Bảy để được sống trong không khí đầm ấm gia đỉnh, để thưởng thức những món ăn của mẹ. Tôi phải đi vào sáng sớm Chủ Nhật để còn kịp thời gian ba quay về vào buổi chiều. 5 giờ sáng ba đánh thức tôi dậy. Tôi đã chuẩn bị sẵn mọi thứ từ tối đêm qua. Mẹ nhắc nhờ tôi kiểm tra lại mọi giấy tờ cần thiết và những thứ cần đem theo. Mẹ dặn tôi khi nào nghỉ chân dọc đường thì gọi điện về báo cho mẹ biết. Tôi chào mẹ và cùng ba lên đường. Tôi chạy chiếc xe mới còn ba sẽ đi chiếc cũ đến nhà nội trước rồi ba sẽ gởi xe cũ ở đó và cùng tôi đi xe mới lên thành phố.

Ba và tôi ghé nhà nội để thắp nhang cho ông bà nội. Đây là thói quen của ba mỗi lần ghé đây và cũng là thói quen của tôi mỗi lần từ thành phố về và trước khi lên lại thành phố. Cô Bảy đãi ba tôi và tôi món cơm tấm cô bán. Cô Hai thì đem nước mía ra, cô Tư thì múc nước súp ăn kèm với cơm tấm, cô Ba thì cho tôi địa chỉ xe tải ở thành phố để mai mốt tôi gởi xe cũ về. Cô Hai còn gởi kèm cho tôi mấy trái lê, cam, ổi và một bịt nước mía để uống dọc đường. Ba và tôi khởi hành lúc 6 giờ 30. Trước khi đi tôi ghé tiệm bánh bên đường để mua ba cây bánh pía để làm quà cho em gái tôi và các đồng nghiệp ở công ty.

Vậy là cuộc hành trình chính thức bắt đầu. Ba chở tôi trước. Tôi và ba đều đội nón bảo hiểm và đeo kiếng. Tôi còn chuẩn bị cả khẩu trang; mẹ cũng chuẩn bị cho ba một cái nhưng chỉ có tôi đeo khẩu trang còn ba thì không vì từ trước đến giờ ba không quen với việc này. Từ Sadec muốn lên Saigon đầu tiên phải vượt qua đoạn đường "trường kỳ thi công" Sadec-Mỹ Thuận với đầy những ổ gà ổ voi, đất đá lổm chổm, những cây cầu làm dỡ dang bên cạnh những đống cát cao như núi. Những lần đi và về trước đây tôi chỉ đi xe khách nên chỉ biết cảm giác bồng bềnh và thấy mịt mù bụi như sương mù. Giờ đây đi bằng xe honda mới thấm thía hết nỗi gian nan. Ba phải hết sức khéo léo để vượt qua những đoạn đường mà chỉ có một nửa được trải nhựa khiến những dòng xe từ cả hai chiều lúc thì tranh giành lúc thì nhường nhịn nhau đi trên phân nửa đuờng tốt đó.


Khoảng nửa tiếng đồng hồ thì chúng tôi tới được cầu Mỹ Thuận. Đi bằng xe honda lên cầu mới thấy cây cầu thật hùng vĩ. Từ dốc cầu ba trả số xe và xiết tay ga để lên cầu. Dốc cầu khá cao và dài nên phải chạy khoảng hai phút mới lên hết dốc để đến đỉnh cầu. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được tiếng gió sông Tiền thổi lồng lộng bên tai và nhìn toàn cảnh chiếc cầu và cả một vùng sông nước, vuờn tược xung quanh. Tôi chợt thầm nghĩ nếu như nhà mình ở gần đây thì có lẽ mình sẽ thường xuyên đi bộ lên cầu để hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn dòng Mekong trầm mặc, để gió sông lồng lộng xua tan những phiền muộn hay đơn giản để thực hiện một bài thể dục.

Qua khỏi cầu là chúng tôi bắt đầu đi vào huyện Cái Bè của tỉnh Tiền Giang. Từ khi đến gần cầu ở bên bờ Vĩnh Long thì đường đi rất tốt. Và từ đây đoạn đường cũng đông xe hơn vì ngoài các xe đi đường Sadec (Sadec, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá) có thêm các xe đi đuờng Vĩnh Long (Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) cùng đổ vào. Hầu như cả đoạn Quốc lộ 1A đi qua tỉnh Tiền Giang đều được tỉnh này xây con lương ở giữa đường. Điều này cũng hợp lý vì đường từ Saigon về Mỹ Thuận đã có đến hai phần ba đi qua Tiền Giang và đây cũng là đoạn đường hay xảy ra tai nạn.

Ba vẫn tiếp tục chở tôi. Đường đi tốt nên ba tăng tốc sao cho đủ nhanh để có thể đến nơi sớm nhưng vẫn bảo đảm tốc độ an toàn. Đi được một đoạn thì chúng tôi đến An Hữu một thị trấn khá đông đúc của Cái Bè. Tại đây có một ngã rẽ để đi về Cao Lãnh và các huyện ở Bắc Sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp. Ngã ba An Hữu này đặc biệt quan trọng với nhiều người dân Đồng Tháp vì trước đây để đi đến Cao Lãnh và các huyện Bắc Sông Tiền, người ta phải theo Quốc lộ 1A đến Bắc Mỹ Thuận, lên phà qua bờ Nam của Sông Tiền để đến Sadec rồi từ Sadec lại đi đến Bắc Cao Lãnh, lên phà để quay về bờ Bắc.

Bây giờ thì đã khác, đã có đường từ An Hữu về Cao Lãnh; hồi đầu năm nay thị xã Cao Lãnh cũng đã trở thành thành phố của tỉnh Đồng Tháp.Tôi vẫn hay tự hỏi giờ đây người ta đã xây dựng thành công một tỉnh Đồng Tháp mới với trung tâm là vùng đất giàu truyền thống cách mạng Cao Lãnh thì tại sao vẫn chưa chịu để Sadec và các huyện phía Nam tách ra thành một tỉnh riêng. Sadec tuy không giàu truyền thống cách mạng nhưng là một đô thị lâu đời và giàu truyền thống văn hoá, tại sao người Sadec không có cơ hội hưởng các quyền lợi về đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hoá, dịch vụ hiện đại như các đô thị khác? Tôi chắc chắn rằng nếu có tỉnh Sadec thì đoạn đường Mỹ Thuận-Sadec dài không đến 15 cây số sẽ không ì ạch thi công hơn ba năm trời mà vẫn chẳng ra gì như hiện nay.

Qua khỏi An Hữu được một đoạn thì ba dừng xe lại bên đuờng để nghỉ. Ba tôi bị đau lưng nên không ngồi lâu được. Ba và tôi xuống xe để đi lại cho thư giản. Khoảng mười phút sau thì chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Lúc này tôi thay ba chạy xe. Lần đầu tiên chạy trên quốc lộ đông đúc này tôi cũng hơi hồi hộp nhưng có ba ngồi phía sau tôi cảm thấy yên tâm hơn; ba sẽ truyền đạt những kỹ thuật chạy xe đuờng trường cho tôi. Khi chạy tôi thỉnh thoảng lại nhìn vào kính chiếu hậu để xem có xe lớn đến từ phía sau không hoặc nhìn vào kim xăng xem có còn đủ xăng không. Giờ này đuờng không nhiều xe lắm nhưng tôi cũng như ba chạy cũng không quá 55 km/h. Ba và tôi đều không quen tốc độ nhanh nên cho dù ở đoạn đường vắng hoe đi nữa cũng không chạy nhanh hơn đuợc.

Đi được khoảng hai cây số thì tôi ghé vào một cây xăng ven đường để tiếp nhiên liệu cho chiếc xe và để ba xuống đi tới lui thư giãn và rửa mặt. Bịch nước mía cô Hai cho mang theo đã bị bể do đường dằn sốc. Tôi mua một chai trà xanh mang theo uống dọc đường. Dừng lại ở đây chỉ khoảng năm phút, chúng tôi lại tiếp tục đoạn đường còn khá xa. Bây giờ nắng cũng đã lên cao. Tôi mặc áo thun ngắn tay nên bắt đầu có cảm giác hơi nóng ở hai cánh tay. Trước khi đi tôi đã chuẩn bị một áo sơ mi tay dài với mục đích sẽ mặc nếu có gió lạnh khi chạy xe. Giờ thấy không lạnh gì cả nên cũng lười lấy áo ra mặc. Sau này mới thấy hối tiếc vì việc làm đó vì sau năm giờ phơi tay dưới cái nắng gay gắt, hai cánh tay tôi từ chỏ tay trở xuống gần như bị phỏng và bị lột da một tuần sau đó.

Đi đường ở miền Tây Nam Bộ có một nét rất đặc trưng là phải qua rất nhiều cầu và gần như cạnh bên cầu luôn có chợ. Tôi ngại nhất là khi đi qua các khu vực này vì chạy xe qua cầu đã khó mà lại còn gặp phải chợ đông đúc người. Có một mối nguy hiểm tiềm tàng khác mà khi đi xe honda tôi mới phát hiện ra. Đó là các xe tải quay đầu giữa đường. Phải thật khéo léo để tránh chúng vì chúng choáng cả đường, nếu mình cố lách qua trái để vượt thì dễ bị nguy hiểm từ xe phía sau đang chờ đến, còn nếu chần chờ dừng lại thì có nguy cơ bị đuôi của chúng quẹt phải. Rất may là đã có ba ngồi phía sau nhắc nhở tôi xử lý những tình huống này. Thực ra đi trên đường không phải chỉ mình cẩn thận là đủ vì nếu các tay tài xế ô tô cứ phóng nhanh vượt ẩu thì tai nạn vẫn có thể xảy ra. Đó là lý do chính mà bấy lâu nay mẹ không cho tôi đi xe honda lên Saigon ngay cả khi có bạn đề nghị cho quá giang.

Tôi chạy qua hết địa phận Cái Bè và tiếp tục đi vào Cai Lậy. Tỉnh Tiền Giang có ba huyện nằm trên tuyến quốc lộ này là Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành. Trong số đó thì đoạn đi qua Cai Lậy là dài nhất. Từ Saigon về nếu đi hết Cai Lậy coi như sắp đến nhà, còn từ Sadec lên nếu qua khỏi Cai Lậy sẽ đến được Trung Lương và cũng có nghĩa là đã đi được nửa đoạn đường. Tôi dự định sẽ tìm một quán ven đường để vào nghỉ ngơi khi đến Trung Lương. Nhưng khi đi sắp hết Cai Lậy khi tôi cảm thấy rất mệt, vừa mỏi tay lại vừa ê mông nên không thể ráng thêm được nữa. Tôi chạy chậm lại và ghé vào một quán nhỏ bên đuờng để nghỉ. Quán trông rất mát mẻ nhờ phía trước có những cây trứng cá với tán xoè rộng. Quán vừa có ghế bố vừa có võng để có thể ăn uống và nghỉ ngơi. Ba và tôi chọn hai chíếc võng kế bên nhau để nằm, mắt hướng về phía con đường quốc lộ, vừa uống cà phê vừa nói chuyện giải khuây.

Tôi lấy điện thoại ra định gọi về nhà cho mẹ hay nhưng ở đây điện thoại của tôi không có sóng. Tôi cũng không bất ngờ vì điều này bởi tôi dùng S-Fone, một mạng điện thoại khá khiêm tốn so với các mạng khác. Tôi nhắm mắt cố tìm một giấc ngủ ngắn ngủi nhưng cũng khó mà ngủ được vì ngoài đường xe chạy vù vù và tôi thì cũng không yên tâm để ngủ. Tôi vẫn cứ nhắm mắt và vẫn vừa nói chuyện với ba. Tôi chỉ uống vài hớp cà phê, phần còn lại nhờ ba uống hết. Tôi không dám uống nhiều bởi cà phê pha rất đậm, nếu uống nhiều chắc chắn chút nữa tôi sẽ không thể lái xe được. Ở công ty tôi đã từng hai lần uống cà phê đậm như thế này và hậu quả là tôi đã không thể tập trung làm việc được vì cái cảm giác bần thần và chóng mặt mà nó mang lại.

Sau khoảng nửa giờ nghỉ chân tại quán võng thì chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Bây giờ ba lại chạy xe thay tôi. Lúc này nắng đã trở nên gay gắt hơn nhiều. Trước khi đi thì cứ sợ trời sẽ đổ mưa dọc đường, nếu như vậy chuyến đi sẽ vô cùng khổ sở. Có lẽ như ông trời đã thấu hiểu được sự lo lắng của tôi nên đã khiến cho ngày hôm nay nắng thật tốt thậm chí quá tốt đến nỗi khiến tôi cảm thấy nóng rát cả hai tay. Ba chạy chẳng mấy chốc thì đến ngã ba Trung Lương. Đến đây thì lại có thêm các xe từ Mỹ Tho và Bến Tre hoà vào dòng xe đông đúc để lên Saigon. Rồi chúng tôi cũng qua khỏi Tiền Giang, tỉnh Long An hiện ra khiến tôi cảm thấy phấn chấn hơn khi nghĩ đến việc mình sắp đến nơi. Long An là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đi ngang qua đây mọi người thường thấy các nhà máy, các cơ sở công nghiệp, những hình ảnh vốn rất ít thấy ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Khi đến bến Bến Lức ba dừng lại nghỉ một lần nữa. Chúng tôi ghé lại ở một quán ven đường nhưng không vào quán mà đứng nghỉ chân ở bãi đất trống cạnh bên quán nơi có một bụi tre rợp bóng mát vì chúng tôi chỉ muốn dừng lại trong khoảng thời gian thật ngắn để đi lại cho đỡ mỏi chân rồi lại đi tiếp. Thật may mắn là ở đây đã có sóng điện thoại nên tôi liền gọi về báo cho mẹ biết. Chắc chắn mẹ ở nhà đang rất lo lắng cho ba và tôi vì chúng tôi đi từ sáng sớm mà đến giờ đã hơn 10 giờ sáng. Nhận được điện thoại của tôi mẹ rất vui; mẹ dặn tôi khi nào đến nơi thì lại gọi về cho mẹ hay. Tôi và ba lại tiếp tục lên đường. Và từ đây tôi sẽ lái xe cho đến khi tới nơi vì vào thành phố ba sẽ không biết đường. Ba dự tính thật hay, hai người thay phiên nhau chạy và đến đoạn vào thành phố là đến ngay luợt tôi. Đoạn đuờng ở khu vực này có thể nói là cực kỳ đông đúc, nào là xe hàng, nào là xe khách, rồi cả honda, người qua đường. Trời thì nắng vô cùng gay gắt làm hai cánh tay tôi đỏ hửng lên và cảm giác bỏng rát cứ rần rần.

Đi một lúc thì chúng tôi đã vào địa phận Saigon. Huyện Bình Chánh chính là cửa ngõ phía Nam của thành phố mà bất cứ ai từ miền Tây Nam Bộ lên cũng phải đi qua. Khu vực này thật sự ô nhiễm trầm trọng. Ở đây có nhiều cơ sở sản xuất mà phần lớn là cơ khí. Những chiếc xe tải to cồng kềnh hay những chiếc xe công-tăng-nơ dài ngoằn nghoèo cứ nối đuôi nhau mà đi. Chạy xe ở đây tôi phải tập trung hết sức cao độ, vừa tránh những chiếc xe tải lù lù phía bên trái, vừa chọn đường để không phải chạy qua những vũng nước vương vải ở gần lề đường. Trời nắng đổ lửa, đường mịt mù khói bụi, các ngã tư đèn đỏ thì chỉ cách nhau không bao xa. Tôi thực sự thấm mệt và mong càng nhanh đến nơi càng tốt. Những lần đi xe khách thì người ta vào thành phố bằng đường Nam Saigon. Tôi thấy đi đuờng này thì hơi xa nên quyết định chạy thẳng theo quốc lộ 1A để đi về hướng Xa Cảng. Vì đã lâu rồi tôi không đi ngã này nên đâu biết rằng hiện giờ đoạn đuờng đang sửa chữa. Vậy là lại thêm một phen hứng chịu bụi bặm và những cảnh chen chúc qua các đoạn đuờng nhỏ hẹp nham nhở đất cát.

Qua khỏi Xa Cảng, tôi chạy được một đoạn thì quyết định phải tìm một chỗ nào để nghỉ thêm một lần nữa để có đủ sức đi hết đoạn đường còn lại. Chỗ tôi chọn là trạm dừng xe buýt đối diện công viên Phú Lâm. Tôi chạy xe lên vỉa hè và dừng lại ở bóng mát của một mái hiên nhà. Định lấy chay trà xanh mua hồi sáng ra uống thì mới phát hiện chay nước đã bị rơi dọc đường. Có lẽ cái bọc ni-lông mỏng quá nên chay nước làm vỡ nó và rớt ra ngoài. Đành phải cố chịu khát cho đến khi tới nơi. Sau khi đi tới lui cho đỡ mỏi gối, tôi lại tiếp tục những kilomet cuối cùng để đến đích.Với tôi chuyến đi càng về sau càng gian khổ bời tôi đã thấm mệt, hai mắt như muốn hoa lên, tay chân đều mỏi rã rời. Tôi lại càng cảm thấy thương ba, đã cùng tôi đi suốt đoạn đường. Chắc ba cũng mệt không kém tôi nhưng không nói ra. Tôi cũng hơi lo không biết mình có nhớ đường không, chỉ nhớ mang máng phải qua mấy cái bùng binh. Tôi sợ mình rẽ không đúng hướng, như vậy sẽ rất mất công. Nhưng thật may mắn là tôi đã đi đúng đuờng và cuối cùng cũng đến được đuờng 3/2, con đuờng dẫn đến nhà trọ của tôi.

Tôi vô cùng mừng rỡ khi sắp đến nơi. Chỉ còn vài cây số nữa. Đoạn đường 3/2 hình như lúc nào cũng đông đúc nhưng với tôi nó đã quá quen thuộc. Từ 3/2 rồi lại rẽ sang Lý Thái Tổ, tôi đã đến được nhà trọ vào 11 giờ 30. Vậy là đã "tiến về Saigon" thành công hoàn toàn! Tôi khéo léo chạy vào cái hẻm nhỏ xíu chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua sao cho chiếc xe mới không bị va vào bất cứ cái gì. Vợ chồng ông hàng xóm nhìn cha con tôi với chiếc xe mới với vẻ hơi ngạc nhiên và tò mò vì xe của tôi giống xe của con gái ông. Hôm nay là Chủ Nhật nên ở nhà nhà hầu như có đầy đủ mọi người nhưng họ đều ở trên gác xem tivi. Tôi đem xe vào nhà rồi chỉ ba chỗ nghỉ ngơi trong phòng tôi ở tầng trệt. Tôi gọi ngay điện thoại về nhà báo tin cho mẹ yên tâm và gọi cả cho em gái tôi báo cho nó biết ba đã lên đến nơi, chút nữa sẽ ra thăm nó. Tôi lấy khăn cho ba đi tắm, sau đó bật tivi cho ba vừa nằm nghỉ vừa xem trong lúc tôi đi mua cơm.

Sau khi ăn cơm xong, tôi chở ba từ quận 10 ra Tân Phú để thăm em gái. Em tôi ở đang theo học ở một trường cao đẳng tại đây. Từ nhà trọ của tôi ra đó cũng khoảng 15 phút. Trời nắng như đổ lửa, đường ra đó cũng lắm khói bụi và xe cộ. Ra đến nơi gặp lúc ông chủ nhà cũng đến thăm và ba tôi lại có dịp trò chuyện cùng ông sau ba năm kể từ ngày ba tôi lần đầu tiên đến đây tìm nhà trọ cho em tôi. Ba tôi mang theo cây bánh pía mua hồi sáng, kèm theo là một ly sâm bổ lượng mà tôi mua cho ba nhưng ba không uống mà để dành cho em tôi. Bốn người chúng tôi ngồi trong căn phòng nói chuyện khá vui vẻ. Được một lúc thì ông chủ xin phép ra ngoài; còn lại ba cha con tôi ở trong phòng. Ba hỏi thăm việc học tập và ăn ở của em tôi đồng thời kể cho nó nghe những chuyện ở quê. Em tôi thật sự rất vui mừng khi ba đã ra thăm và còn mang cả quà nữa.

Thấy em tôi sống ở đây ổn định và có môi truờng thuận lợi để học tập, ba tôi rất yên tâm. Ngồi chơi được khoảng nửa tiếng thì ba tôi về để kịp đón chuyến xe 1 giò 30 về quê. Tôi chở ba ra trạm xe luôn mà không ghé lại nhà tôi. Ba muốn về sớm vì mẹ đang ở nhà một mình, đang rất lo lắng mong tin của tôi và ba. Dù tôi đã chạy nhanh ra trạm xe nhưng ba cũng bị lỡ chuyến xe 1 giờ 30, đành mua vé chuyến 2 giờ 30. Tôi dự định ở lại trạm xe với ba trong một tiếng đồng hồ đợi xe nhưng ba bảo tôi hãy về nhà nghỉ ngơi vì ba biết tôi đã mệt trong suốt chuyến đi hôm nay. Tôi do dự chưa muốn về nhưng ba bảo tôi cứ yên tâm ra về, ba có thể tự lên xe về nhà được. Tôi nghe lời ba ra về; sau đó tôi gọi điện báo cho mẹ biết ba sẽ về đến nhà vào khoảng 6 giờ chiều. Tôi về lại nhà trọ nhưng lòng vẫn lo cho ba, không biết chứng đau lưng của ba có tái phát sau chuyến đi này không. 6 giờ 30 chiều tôi gọi điện về nhà; đó cũng là lúc ba vừa về đến nơi. Mẹ nói ba đi đuờng vẫn khoẻ và vừa về, mẹ chưa kịp báo tin cho tôi thì tôi đã gọi về. Chỉ sau khi nghe được tin này tôi mới thật sự yên tâm.

Giờ đây tôi đã có chiếc xe mà bấy lâu tôi hằng mong ước. Với tôi nó vô cùng quý giá, cả về vật chất lẫn tinh thần, bởi nó là sự chắt chiu của ba, của mẹ và cả tôi. Chuyến đi từ Sadec lên Saigon bằng xe honda lần đầu tiên với tôi quả là có nhiều điều đáng nhớ. Tôi biết được cảm giác của một cuộc hành trình do chính mình lái xe, có dịp nhìn ngắm nhưng vùng đất mình đi qua dưới một góc nhìn khác, toàn diện hơn và gần gũi hơn. Và điều đáng nhớ nhất với tôi là những kỷ niệm với ba trong suốt chuyến đi. Khi viết bài này tôi đã tự nhủ mình phải viết thật chi tiết để không phải chỉ ghi lại những cảm xúc trên đường đi mà còn để thể hiện sự kính yêu của tôi dành cho ba vì thế bài này trở thành bài dài nhất tôi từng viết trên blog. Khi viết không quan tâm đến điều đó, chỉ biết mình phải ghi lại các sự kiện càng đầy đủ càng tốt và tôi đã làm điều này từ sự thôi thúc của chính trái tim mình.

Nhà ông Năm Kiến Vàng - Vĩnh Long

 Hôm nay đưa ba đi bó thuốc ở nhà ông Năm Kiến Vàng ở Vĩnh Long. Xuất phát lúc 5h30 đến 7h30 thì đến nơi. Đến TP Vĩnh Long chạy lòng vòng mộ...