24/12/09

Noel 2009


Hôm nay là ngày Noel. Cách đây hai ngày mình còn không nghĩ tới Noel nếu không tình cờ nghe vài người bạn nhắc đến. Mới hồi chủ nhật tuần rồi vài người bạn rủ mình ra quận 1 chơi. Cũng có thể coi như mình cũng đã có đi chơi Noel. Cũng như năm ngoái bọn mình bắt đầu từ Dinamond sau đó đi bộ đến nhà thờ Đức Bà rồi qua Thương xá Tax. Đi đến đâu chụp hình tới đó.

Ngày Noel hôm nay đối với mình quả là bận rộn, làm việc cả ngày, đến tối còn phải đi học. Lại một ngày nữa mình đi học trễ. Vào lớp mệt quá nên cũng chẳng thèm mượn tập ai để chép lại. Tuy mệt nhưng cũng cảm thấy vui vui, được quen với nhiều người. Buổi tối về thấy đường cũng không đông lắm; thời tiết cũng không lạnh nên mình cũng không có cảm giác gì của Giáng sinh.

22/10/09

Thu, hát cho người


Đó là tựa đề ca khúc tôi được đề nghị hát trong buổi lễ vào tháng 12 tới. Cũng đã ngót 10 năm tôi không đứng hát trong một buổi lễ trang trọng. Tôi vẫn hay đi hát karaoke với bạn bè nhưng hát trong một buổi lễ hay một cuộc thi thì đã lâu rồi tôi không làm. Chỉ mới gần đây có một chị nhờ tôi làm MC cho một buổi lễ. Chị nói tôi có giọng trầm ấm thích hợp với những buổi lễ trang trọng. Có lẽ chị là người đầu tiên trong 10 năm qua phát hiện ra điều đó ở tôi.. Từ lúc lên Saigon học cho đến khi đi làm tôi hầu như bỏ qua mọi hoạt động văn nghệ, một điều gắn liền với tôi khi học ở phổ thông.

Nhớ lại những kỷ niệm xưa thật là vui. Một ngày nọ bỗng một đứa bạn giới thiệu với Văn phòng Đoàn để tôi lên đọc trong chương trình phát thanh giờ ra chơi của trường. Hoàn toàn bất ngờ nhưng cũng thật thú vị, tôi đã nhận lời. Và từ đó tôi đã trở thành phát thanh viên trong các bản tin của trường. Điều khiến tôi nhớ nhất là vào những giờ phát thanh đó đã có nhiều thầy cô và học sinh đã tìm lên Văn phòng Đoàn để xem ai đang trực tiếp đọc sau micrô.

Lần trở lại làm MC vừa rồi của tôi cũng nhận được nhiều phản hồi tốt của nhiều khán giả. Mới cách đây hai ngày tôi đã hát trong buổi lễ mừng 20/10, một ca khúc Quang Dũng đã hát, bài Vì đó là em. Nhiều người nói tôi hát giống Quang Dũng. Về phần mình, từ trước đến giờ tôi đánh giá Quang Dũng có một giọng hát hay nhưng chưa hề thần tượng anh và vì thế cũng không biết hết mọi ca khúc anh đã trình bày. Chưa bao giờ tôi cố làm cho giọng mình giống anh hay bất cứ ai. Nhưng tôi thừa nhận những ca khúc Quang Dũng hát tôi có thể trình bày lại rất dễ dàng và thấy chúng hợp với chất giọng của tôi. Hôm đó tôi tham gia đến ba tiết mục, đơn ca, song ca và tốp ca. Nhận lời tham gia các tiết mục này, tôi phải thu xếp công việc để tập luyện trước 2 ngày. Tuy hơi cực nhưng vui và đáng nhớ.

Tôi thích hát, cho mình và cho cả mọi người. Tuy nhiên tôi không phải là người thích khoe khoang giọng hát, không luôn tìm cơ hội để được hát. Tôi chỉ hát cho ai biết trân trọng người hát và biết thưởng thức âm nhạc. Tôi luôn sẵn sàng tham gia hết mình trong các hoạt động văn nghệ tập thể mang đến những niềm vui và tình cảm ấm áp cho mọi người. Đó là niềm hạnh phúc rất chân thật và trong sáng.

14/8/09

Đi xem Up


Cuối tuần rồi mình quyết tâm đi xem Up, một bộ phim hoạt hình 3D mới của Disney/Pixar. Mình vốn là một fan của Disney nên khi xem các đoạn trailer trên TV mình đã bị lôi cuốn bởi những tình tiết trong phim.

Thứ Bảy mình chỉ làm buổi sáng nên dự định sẽ đi xem phim suất 12:30 chiều ở Mega Star nhưng có chút chuyện nên mãi đến 12:20 mình mới rời cơ quan. Đến rạp chiếu phim cũng hơi xa, còn mình lại không muốn bỏ lỡ dù chỉ một đoạn ngắn của bộ phim này nên mình quyết định về nhà và đợi xem xuất 2:45. Sau giấc ngủ trưa ngắn, mình đến ngay rạp phim. Mặc dù bây giờ đang có dịch H1N1 nhưng cũng mặc. Rạp ở tận lầu 7, nhìn sang trọng nên giá cũng không hề rẻ, 60.000 cho một vé và 20.000 cho một chai trà xanh.

Xem Up, trong mình có nhiều cảm xúc thật lạ, vừa vui nhộn lại vừa xúc động. Vui nhộn vì một ông già 78 Carl Fredricksen có ý tưởng kỳ quái, dùng hàng ngàn quả bóng bay nâng ngôi nhà bay lên để đi thám hiểm nhưng lại xúc động trước những tình cảm sâu nặng ông dành cho người bạn đời quá cố. Vui nhộn vì một chú bé Russell lúc nào cũng tinh nghịch nhưng lại có cảm giác rưng rưng khóe mắt khi biết chú bé luôn phấn đấu trở thành 'nhà thám hiểm tài giỏi' để cha chú, một người đã có vợ khác, sẽ đến dự lễ thăng cấp của chú.

Bộ phim thật tuyệt và giàu ý nghĩa. Mình đã không uổng phí khi dành thời gian để xem. Thật tiếc, chỉ có có cụm rạp giá cao nhất thành phố Mega Star mới chiếu, nếu không mình sẽ đi xem lại vài lần nữa. Bây giờ mình đành chờ sang năm sau, thế nào Disney Channel cũng chiếu như gần đây họ đã chiếu Wall-E đình đám của năm rồi.










9/7/09

Nét đẹp Tây Bắc













(hình của NaPix trên Flickr)

Về thăm nhà

Cuối tuần rồi mình vừa về thăm nhà. Lần về này mình không có dự định trước; ý định chỉ đột nhiên xuất hiện trong đầu khi mình thấy có nhiều người xin nghỉ bù. Mình cũng có nhiều ngày dự trữ nên quyết định xin nghỉ bù vào ngày Thứ Sáu để về nhà chơi. Với mình khi có thời gian rảnh, mình chỉ muốn về nhà chứ không muốn đi đâu khác để chơi.

Tối hôm Thứ Năm mình ghé qua siêu thị mua mấy món đồ để mang về. Cũng không mua gì nhiều, chỉ vài hộp bánh và cà phê, vừa để mang về vừa để mình dùng. Đã lâu rồi mình cũng không đi mua sắm

Buổi sáng mình cũng không dậy sớm. Mình đi xe 8:30 nên cũng không phải gấp gáp. Thật không hay, lần này mình ngồi chính giữa hai phụ nữ mà một người thì bốc mùi còn người kia thì dẫn theo cả hai đứa con.

Về đến nhà cũng đúng 12 giờ trưa. Mẹ đã nấu sẵn cơm, chỉ đợi mình về là dọn ra ăn. Lần nào về nhà cũng có canh rau để ăn. Mẹ cũng đã mua sẵn nhiều loại trái cây như bơ, vải, bòn bon, chôm chôm. Mẹ còn làm cả yoghurt nữa.

Thứ Bảy, mình ra nhà Cô Hai để ăn cháo vịt. Lần nào về, cô cũng nấu món gì đó để đãi mình. Điều làm mình mừng nhất là thấy cô bận rộn với nhiều công việc từ dạy thêm đến buôn bán nhỏ. Mình luôn mong cô tìm được nhiều niềm vui trong công việc và cuộc sống. Hôm đó cũng là ngày em gái mình về. Thật vui, gia đình mình lại họp mặt đông đủ.

28/6/09

"Are you smarter" phiên bản Việt

Game show "Are you smarter than a 5th grader?" đã có mặt tại Việt Nam trên kên HTV2 với tên gọi "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5?". Nhìn chung thì phiên bản Việt Nam tệ hơn của Mỹ về mọi mặt. Cái thấy rõ ràng nhất là khung cảnh. Điểm yếu nhất của các chương trình giải trí Việt Nam bao nhiêu năm nay là không thể tìm ra được một màn hình led thật sự đẹp như các nước trên thế giới. Màn hình dùng làm tấm bảng của lớp học chỉ bằng phân nửa so với phiên bản gốc, nhìn mờ mờ khiến người xem truyền hình khó lòng đọc được câu hỏi ghi trên bảng.

Chất lượng âm thanh cũng không được tốt. Tiếng nói nghe nhỏ và không có chất lượng. Về cơ cấu giải thưởng cũng có khác. Sau năm câu hỏi đầu, nếu người chơi trả lời sai thì chỉ được nhận 2 triệu chứ không phải phân nửa số tiền thưởng tích lũy được từ những câu hỏi trước. Số tiền cho câu hỏi đặc biệt cuối cùng cùng không thật sự hấp dẫn. Ở Mỹ con số đó là 1 triệu đô-la. Tiền thưởng của Việt Nam tuy không thể so sánh với Mỹ nhưng ít nhất cũng phải 100 triệu VNĐ chứ chỉ có 50 triệu cũng không thật sự là cao.

Nói về những người làm chương trình, cụ thể ở đây là người dẫn chương trình và các em học sinh, theo suy nghĩ cá nhân của người viết, nghệ sĩ ưu tú Tạ Minh Tâm thích hợp với ca hát hơn là làm host cho một game show. Những câu nói của anh trong chương trình nghe khô khan và nhàm chán, đôi lúc dư thừa và không có duyên. Không hiểu vì sao anh ta tốn quá nhiều thời gian cho phần hỏi về đời tư của người chơi ở đầu mỗi cuộc thi. Điều đó khiến người xem cảm thấy chương trình dài dòng và lan man.

Có lúc người dẫn chương trình lại chen ngang câu nói của người chơi khiến người xem có cảm giác anh ta tìm cách nói cho nhiều vì vốn dĩ anh ta không có nhiều ý tưởng để nói trong chương trình. Về phần các em học sinh, dường như các em cũng không thật sự thông mình cho lắm bởi lẽ lần đầu tiên xuất hiện trường hợp một học sinh lên trợ giúp người chơi lại không thể đưa ra câu trả lời. Như vậy người chơi bị thiệt thòi khi chơi cùng em đó và có cảm giác lạc loài vì người hỗ trợ mình lại trở nên vô ích.

Nhìn chung chương trình đã cố gắng tạo một sân chơi tìm hiểu về kiến thức khá vui vẻ, thoải mái và ít căng thẳng như các game show thường thấy ở Việt Nam. Nhưng qua cuộc thi mới thấy các em học sinh Việt Nam ngày nay phải nhồi nhét vào đầu quá nhiều kiến thức. Có một thí sinh tâm sự rằng chị ta xem chương trình ở Mỹ thấy các câu hỏi quá dễ, sao chẳng thấy ai đạt được được giải thưởng 1 triệu đô-la và chị tham gia chương trình của Việt Nam với mong muốn sẽ giành được giải cao nhất. Nhưng cuối cùng chị đã phải ê chề rời cuộc thi sau câu hỏi thứ hai. Những câu hỏi thuộc các môn như Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội của Việt Nam thì không phải bất kỳ người lớn nào với kiến thức phổ thông cũng biết được. Phiên bản Việt xem thì xem cho vui vậy chứ thật ra không được hấp dẫn lắm.



Đôi lời


Nhiều lúc muốn viết gì đó để nói ra hết những điều chất chứa trong lòng nhưng lại thôi. Vẫn có cảm giác lo lo khi bày tỏ suy nghĩ trên blog. Mình không muốn những bài viết của mình trở thành đề tài bàn tán của bàn bàn dân thiên hạ. Mình chỉ muốn có một góc riêng để tâm sự với những người thật sự đồng cảm.

Không biết từ bao giờ mình không còn năng viết blog như ngày xưa. Có lẽ từ khi mình có TV mới và truyền hình cáp. Đúng rồi, hồi trước chỉ có cái TV cũ kĩ, xem được chỉ có vài kênh thì hỏi làm sao mình không giành nhiều thời gian cho blog sao cho được. Còn bây giờ thì có quá nhiều kênh để xem.

Máy ảnh của mình đã lâu không dịp đem ra xài. Mình cũng muốn chụp nhiều hình mình đưa lên blog cho mọi người xem nhưng khổ nỗi không có ai chụp hình cho mình. Hơi tiếc là máy của mình không thể chụp được những bức bức ảnh kiểu portrait nên hình chụp ra nhìn không có vẻ gì nghệ thuật hết. Chẳng biết bao giờ mình mới có khả năng mua một cái khác có tính năng này. Thôi cứ kiên nhẫn chờ đợi vậy. Mình đang bắt đầu học cách làm sao để không bị nản chí trong mọi việc.


31/5/09

Mùa hoa đỏ về



Bây giờ đã là cuối tháng 5. Với tôi vẫn nhìn ngày tháng trôi qua lặng lẽ mà không chút mải mai bận tâm. Cho đến một hôm vô tình đọc một tờ tạp chí với bức ảnh to chiếm đầy một trang với hình hoa phượng đỏ rực một vùng trời. Tự nhiên trong lòng thấy nao nao. Lâu rồi tôi không thấy hoa phượng. Con đường tôi đi hằng ngày chỉ thấy những tòa nhà, những cột điện với những sắc màu lạnh lùng vô cảm, không thấy sắc đỏ rực rỡ của những cánh phượng nên hè đến khi nào mình cũng không hay.

Sắc đỏ của phượng khiến lòng người dâng lên nhiều cảm xúc. Tùy tâm trạng của mỗi người mà cái sắc đỏ lạ lùng đó tạo nên những nỗi niềm khác nhau. Ai chưa một lần thấy lòng bỗng sôi nổi trào dâng sức sống khi nhìn những chùm phượng như những ngọn đuốc bừng cháy sừng sững vươn giữa trời cao. Nhưng cũng có khi lòng chợt thấy xốn xang khi thấy màu đỏ rưng rưng như đôi mắt đuộm buồn. Với tôi có lẽ màu hoa đỏ gợi lên tâm trạng buồn buồn nhiều hơn. Thực ra trước giờ tôi chưa có dịp tận hưởng một mùa hè của những hoạt động sôi nổi hay cũng có thể tôi chưa biết sử dụng những ngày hè của mình. Bây giờ, mùa hè của tôi không có hình ảnh hoa phượng, chỉ có những cơn mưa và những con đường lênh láng nước. Tôi chợt nhận ra một điều có thể lý giải cho tâm trạng của mình mỗi lần thấy màu phượng đỏ: "Anh đâu buồn mà chỉ tiếc - Em không đi hết những ngày đắm say".

30/5/09

Có những con đường

Vài năm trở lại đây khi về Sadec tôi thấy có thêm nhiều con đường mới, những con đường cũ trong thị xã cũng được nâng cấp. Nhà tôi ở vùng ven nên trước đây đi vào rất khó, đường đất đá lổm chổm, mùa nắng thì dằn sốc, bụi bặm, mùa mưa đến hay khi nước lũ dâng lên thì lầy lội bùn đất. Nay con đường từ nhà ra trung tâm thị xã đã được cải thiện, có đoạn thì đỗ đan, đoạn thì trải nhựa, xe đi lại rất dễ dàng. Nhưng với tôi ký ức về những con đường một thời gắn bó với tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn.

Thuở nhỏ tôi sống ở nhà nội để thuận tiện cho việc đi học, mỗi tuần tôi về nhà chơi hai lần vào ngày thứ Năm và Chủ Nhật. Tôi thường đi bộ từ nhà nội đến cầu Rạch Rắn sau đó đi men theo con đường ven sông đến cầu Ngã Bát, qua cầu rồi lại tiếp tục đi theo con đường nhỏ chạy dọc theo dòng sông để về nhà. Tôi nhớ có một lần ba ra nhà nội để rước tôi về, hôm đó trời có mưa làm đường rất lầy lội nên thay vì dắt tôi đi ba đã cõng tôi về nhà. Trên đường về, ba kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện vui khiến cho con đường đi dẫu khó khăn nhưng lại đầy ắp tiếng cười. Sau này khi có dịp nghe một bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn tôi mới thấy sao mà giống chuyện của mình quá: "đôi chân em bé nhỏ sợ lấm bùn, cha lội xuống cõng em, cha nói cỡi ngựa ngựa phi". Đến năm học lớp Tám thì tôi chuyển về nhà ở với ba mẹ. Lúc đó đường về nhà vẫn còn rất xấu và có lẽ tôi là một trong những người cảm nhận được sâu sắc nhất nỗi gian nan khi đi trên những con đường ấy. Từ lớp Sáu tôi đã tham gia những lớp học thêm buổi tối, chủ yếu là Anh văn, tin học và toán. Khi tôi chuyển về nhà mình ở, cô tôi đã lo lắng rằng tôi có thể sẽ không thể tiếp tục những lớp học đó nhưng tôi vẫn quyết tâm theo học; ba mẹ cũng luôn ủng hộ tôi học bất cứ lớp nào. Vậy là đêm đêm tôi vẫn một mình đi-về trên con đường nhỏ mang theo bên mình chút sợ hãi khi qua những đoạn vắng ngắt, tối om hay những khúc chỉ có những bụi tre và những cái mộ to nhỏ đủ cả. 


Đó là khi trời trời quang mây tạnh, đường xá khô ráo, chứ khi mùa lũ đến hoặc mùa mưa về thì nỗi khó khăn lại thêm chồng chất. Mưa xuống, con đuờng trở thành một bãi đất sình lầy trơn trợt. Không thể chạy xe đạp được, tôi phải xắn ống quẩn và dắt bộ cho đến khi ra đuợc đường nhựa. Mỗi lần qua những chỗ có bến nước, tôi lại dừng xe để khựi bùn và dắt xe xuống bờ sông để rửa sạch. Cái thú rửa xe dưới sông cũng rất vui. Một tay giữ sườn xe, tay kia thì cầm tay lái, cho bánh sau xuống mặt nước rồi dùng một chân đạp bàn đạp xe. Bánh sau quay vòng vòng cuốn theo nước vào để rửa, chỉ một thoáng là xe lại trở nên sạch sẽ. Một lần vào ngày mưa tôi dắt xe đi qua một cây cầu ván rất dốc và cao, hôm đó tôi lại mang dép xốp nên cứ hễ buớc lên một bước thì bước chân lại bị tụt xuống vì trơn. Cái cảm giác đứng chới với giữa dốc cầu mới thật đáng sợ làm sao. Lên được đến đỉnh cầu đã khó, khi đi xuống cũng hồi hộp không kém, cứ như người và xe sắp bị đổ nhào từ trên xuống. Rồi có những lúc người ta muốn đắp con đường cao hơn nên cho xáng vào móc đất từ lòng sông lên đổ đầy con đường. Với những đống đất cao hơn một mét như thế thì đi bộ đã là không thể, huống hồ gì là đi xe. Vào những ngày đó, tôi phải gởi xe ở chỗ gần đường lớn và mỗi ngày phải đi đò đến đó. Buổi tối không có đò đưa, tôi đi vòng đường vườn sau nhà và băng qua vườn sau của những nhà khác. Đó là những đêm mà tôi phải đi ngang qua những bụi tre um tùm, những mồ mã lạnh lẽo với đầy những tiếng côn trùng rả rích, tiếng ếch nhái ộp oạp. Những cảm giác phải trải nghiệm trong thời gian đó thật đáng nhớ; sợ có, hồi hộp có nhưng cũng đầy kiêu hãnh vì ít ra mình đã biết vượt qua khó khăn để theo đuổi con đường học vấn.


Giờ đây những con đường ngày xưa đều được sửa lại sạch sẽ và to rộng hơn, không còn cảnh lầy lội và trơn trợt nữa. Các em học sinh tuy vẫn đến trường bằng xe đạp nhưng không còn cảnh xắn quần dắt bộ hay xuống bờ sông để rửa xe. Mẹ tôi thỉnh thoảng nhìn cảnh từng nhóm học sinh lũ luợt chạy xe vù vù ngang nhà lại nhắc chuyện xưa, những ngày mẹ đón đò để tôi đến trường hay những đêm mẹ thức chờ tôi đi về từ ngã vườn sau. Riêng với tôi, những con đường xưa vẫn còn in đậm trong ký ức với hình ảnh ba cõng tôi trên lưng cùng những ngày đội mưa, đi chân đất, dắt chiếc xe đạp đến trường với duy nhất một niềm mơ ước "Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng".

29/5/09

Giã biệt


Lần này về quê tôi nhận được một tin buồn não ruột, con chó yêu quý tôi đã qua đời. Khi vừa vào nhà không thấy Tô chạy ra mừng tôi đã linh cảm được điều đó. Tôi hỏi mẹ, mẹ không nỡ nói ra nhưng tôi cũng đã đoán ra và trả lời luôn, mẹ chỉ nói là đúng rồi. Từ lâu tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một ngày tôi phải đối mặt với chuyện này. 

Tính đến lúc này thì Tô đã sống với gia đình tôi được 12 năm và thực sự đã trở thành một thành viên của gia đình tôi. Nhớ ngày xưa lúc tôi đang học lớp 7 và còn ở nhà nội, vào một buổi sáng nọ bỗng có một con cún con chạy ngang. Con cún có màu đen mun, bốn chân, vòm cổ và hai mắt thì có lông trắng tựa như đi hài trắng, đeo khăn quàng cổ trắng và mang một cặp kính trắng. Vì thấy con cún quá đáng yêu, chú tôi liền bắt vào nhà nhưng ông nội tôi vốn không cho phép nuôi chó mèo trong nhà nên chú liền bảo tôi đem về nhà để nuôi. Nhìn con cún ú nu vì đang kỳ sổ sửa tôi đã vô cùng thích thú. Tôi cho cún con vào một cái giỏ và lấy xe đạp chở về nhà tôi. Con cún chính thức trở thành thành viên trong gia đình tôi từ lúc đó. Ba tôi đặt cho con cún tên Tô và từ đó về sau cái tên này đã nên thành thân quên với gia đình tôi, với cả những người hàng xóm và mở ra trào lưu đặt tên cho các con vật yêu của những người hàng xóm, một việc hầu như lạ lẫm với mọi người trong xóm tôi dạo đó. 

Rồi Tô mỗi ngày một lớn và càng xinh đẹp hơn, nhất là bộ lông. Tô không to lớn cũng không nhỏ bé, vừa đủ để ôm gọn trong vòng tay để yêu thương. Bộ lông của Tô không xù, cũng không ôm sát thân mà là một bộ lông dài, thẳng mượt mà. Dọc theo sóng lưng là những chùm lông nhô cao hơn bình thường tạo thành một cái bờm đầy kiêu sa. Cái đuôi là một điểm nhấn đầy ấn tượng với những sợi lông dài bao quanh, phần lông phía trên màu đen, còn phía duới thì trắng. Đuôi của Tô lúc nào cũng xoắn tròn lại tạo thành dáng của một bông hoa đang xoè cánh mà ai nhìn vào cũng phải tắm tắc ngợi khen. Cái đuôi cũng chính là bộ phận biểu lộ cảm xúc của Tô. Tô vẫy đuôi để mừng mỗi khi một người trong gia đình đi đâu về nhà. Có những khi tôi và em gái tìm cách trêu Tô, cứ mãi gọi Tô Tô hoặc giả tiếng mèo, tiếng chuột, Tô cũng vẫy đuôi nhưng tuyệt nhiên vẫn nằm yên không hề chạy đến như để nói rằng: "Tôi đã nghe các anh chị rồi, tôi biết các anh chị đang trêu tôi nên tôi không lại đâu". 

Đôi mắt của Tô thì đầy lém lỉnh. Cô nàng luôn đảo mắt qua lại mỗi khi có động tịnh mà chẳng buồn quay đầu để xem. Có vẻ như Tô hiểu đuợc được tiếng người và luôn chăm chú lắng nghe mọi nguời nói chuyện. Mỗi khi mẹ tôi đi đám cưới hay đám giỗ ở trong xóm là Tô biết ngay; hễ mẹ tôi vừa bước ra khỏi nhà là Tô vụt chạy theo, đến nơi thì chui ngay xuống gầm bàn nơi mẹ tôi ngồi. Khi tiệc đã xong và nghe mẹ nói là đi về thì Tô ngay tức khắc chạy trước ra ngoài đứng để đợi. Có những khi Tô chạy về nhà trước nhưng đợi mãi không thấy mẹ tôi về, cô nàng liền quay lại chỗ đó để tìm hoặc nằm mãi ở cổng nhà, mắt hướng về phía đó để đợi. Tô sinh một lứa thì được "kế hoạch hoá". Đó có lẽ là những cảm giác đau đớn nhất mà Tô phải chịu đựng bởi thời đó chưa có thuốc "triệt sản" mà phải dùng dao để "phẩu thuật". Nhưng có lẽ nhờ được "kế hoạch" mà Tô mới có thể sống lâu và khoẻ đẹp đến hơn mười năm. 

Tô đã gắn bó với phân nửa tuổi thơ của tôi. Những ngày còn ở bên Tô, tôi thích ôm Tô vào lòng rồi vuốt ve và nói chuyện. Đáp lại Tô vẫy vẫy cái đuôi, hai tai duỗi thẳng xuống, đôi mắt thì chớp chớp, và đưa lưỡi ra liếm láp tay tôi. Rồi khi tôi vào đại học, phải xa gia đình, trong đó có cả Tô. Mỗi lần tôi về thăm nhà, Tô mừng khôn xiết, cứ phóng lên nguời tôi để được tôi ôm ấp và vuốt ve. Lần này tôi về, không được gặp Tô nữa, lòng tôi buồn ruời ruợi. Cảm giác trống trải và hụt hẫn cứ mãi vây lấy tôi. Đêm đầu ngủ ở nhà, tôi nghĩ nhiều về những kỷ niệm với Tô trong suốt những ngày thơ và hai dòng nước mắt tự dưng cứ trào xuống không kềm được. 

Giờ đây tôi đã mất Tô mãi mãi. Dẫu biết rằng hơp-tan là lẽ thuờng ở đời nhưng cảm giác đau đớn khi mất đi một người bạn thân thíêt thì làm sao mà tránh được. Tôi đặt tựa cho bài viết này là Giã biệt bởi tôi tin vào luân hồi theo đó thì Tô chỉ xa tôi tạm thời và tôi có quyền cầu mong rằng Tô sẽ được hoá kiếp và lại tiếp tục trở thành một người bạn thân ở bên tôi để cùng tôi san sẻ những tâm tình và những nỗi buồn vui trong cuộc sống.

28/5/09

Bâng khuâng mùa hạ

Từ hai năm nay tôi không để ý mùa hè đã đến hay chưa vì mình đâu còn như ngày xưa được nghỉ những ba tháng hè để vui chơi. Ngày ngày trên đường đến chỗ làm tôi vẫn đi bộ ngang qua hai ngôi truờng trung học, vẫn thường đuợc thấy những cô cậu học sinh tung tăng trong màu áo trắng. Chợt một ngày kia tôi phát hiện sân trường không còn rộn rã nữa, trên lối mình đi lả tả xác phượng rơi, tôi giật mình tự nhủ "À thì ra mùa hè đã đến tự bao giờ !".Có lẽ chính cây phượng già ven đường đi đã mang trở lại cho tôi những cảm xúc xốn xang của mùa hè. Cây phượng thật đẹp, hoa nở thành từng chùm to bám chặt vào nhau như từng cụm lửa lung linh giữa bầu trời xanh trong vắt. Ở Sadec quê tôi cũng có một con đường trồng rất nhiều phượng; đó có lẽ là con đường lớn nhất và đẹp nhất thị xã. Phượng được trồng dọc theo một lề con đường , còn lề đối diện là hàng sứ. Sứ thì nở hoa quanh năm, lúc nào cũng thoang thoảng toả hương, còn phượng thì chỉ khi hè đến mới có dịp khoe sắc thắm. Vì vậy mùa hè chính là dịp để thưởng ngoạn tất cả những vẻ thơ mộng của con đường rợp bóng hoa.

Ngôi trường phổ thông tôi học ngày trước cũng có rất nhiều phượng. Lần đầu tiên tôi đến truờng là mùa hè của năm học lớp Năm. Tôi đến học thêm để chuẩn bị cho năm học đầu tiên tại ngôi trường mới này. Ngày đó hình ảnh gây ấn tượng nhất với tôi là những cây phượng. Phượng ở khắp sân trường, ở cạnh những lớp học, tán cây xoè rộng che mát cả một khoảng sân, có những cành phượng vươn dài đến ngay cửa sổ của những lớp trên lầu. Ngồi trong lớp học nhìn ra ngoài nơi nào cũng thấy những bông hoa phuợng đỏ thắm. Sau giờ học tôi và các bạn thuờng lê la khắp sân trường tìm nhặt những cánh phượng thật đẹp rồi tỉ mỉ ngồi xếp lại thành những cánh buớm thật dễ thương đem ép vào trang vở. Để xếp được một chú bướm đẹp cũng cần phải có hoa tay; hai cánh hoa đựợc cắt gọn cho đều nhau để làm hai cánh bướm; thân bướm được làm từ lớp vỏ màu xanh của hoa, còn nhuỵ hoa được ghép vào làm hai cái râu của chú bướm. Những chú bướm tôi làm trông thật vụn về và buồn cười, con thì lệch cánh, con thì xệ râu nhưng tôi vẫn rất thích. Cánh hoa phượng đỏ thắm trên cành giờ hoá thành cánh bướm bay vào trang vở của tôi, trở thành hàng xóm của những lá thuộc bài, ngày ngày cùng tôi vào lớp, in lại trong trang vở tôi những dấu vết của tuổi học sinh với cả một khung trời đầy hồn nhiên, vô tư và nhiều mộng ước.

Hôm rồi tôi có dịp xem chương trình Thay Lời Muốn Nói với chủ đề Hương Mùa hè; những cảm xúc về mùa hè từ những ngày xưa chợt ùa về trong tôi. Tôi bỗng thấy nhớ thầy cô, bạn bè, nhớ dãy lớp học cũ kĩ, nhớ những cánh bướm những cây phượng già của ngôi trường mà tuổi của nó cao gấp ba lần tuổi tôi. Chương trình chuyển tải những lời tâm sự thật chân thành, những kỷ niệm rất sâu sắc của nhiều khán giả, xen lẫn là những ca khúc da diết tình cảm về mùa hè. Thật tiếc khi ca khúc mà tôi mong chờ nghe nhất lại không được phát, bài Thời Hoa đỏ, thơ Thanh Tùng, nhạc Nguyễn Đình Bảng. Bài thơ vốn đã dạt dào cảm xúc trong từng câu chữ, lại thêm phần phổ nhạc chan chứa tình cảm càng khiến người nghe thêm lắng đọng lòng mình cùng mùa hè và những cánh phượng đỏ:

Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa một thời trai trẻ
Tôi đã nghe bài hát từ rất lâu nhưng mãi khi trải qua những năm tháng của thời sinh viên nơi ký túc xá, khi đã xa cành phượng vĩ và mái trường xưa, tôi mới cảm nhận được những tâm sự sâu lắng và khắc khoải trong lừng lời của bài hát. Thời đó với chiếc radio nhỏ xíu tôi đã nghe bài hát này không biết bao nhiêu lần và bây giờ mỗi khi nghe lại cảm xúc cũng như ngày xưa, vẫn thấy xốn xang và nao nao trong lòng. Tôi chợt nhận ra mùa hè với tôi thật tuơi đẹp và thiêng liêng; nó gắn liền với cả một thời cắp sách đến trường của tôi, cái thời mà giờ đây trong giấc mơ vẫn thường gặp lại, nơi đó có những thầy cô và bạn bè đã cùng tôi trải qua bảy năm học với biết bao kỷ niệm vui buồn dưới mái trường xưa bên bảng đen, phấn trắng và cả những cánh phượng đỏ thắm, những cánh bướm trong từng trang vở.

(Saigon, Hè 2007)

27/5/09

Nếu tôi trúng số


Khi có ai mời mua vé số tôi thường từ chối; hành động này dường như trở thành phản xạ. Nhưng nhiều lúc lại suy nghĩ lại, nếu như mình mua biết đâu mình sẽ trúng độc đắc. Thế là tôi mua. Và tất cả những lần mua vé số của tôi đều xuất phát từ mong muốn rằng mình sẽ trúng giải cao nhất. Nhiều lúc ngồi buồn, tôi lại nghĩ vu vơ và tưởng tượng mình sẽ làm những gì một khi mình trúng số.

Có lẽ việc đầu tiên tôi làm là gọi điện báo cho gia đình biết. Tôi sẽ kỹ càng hỏi mẹ trước là xung quanh có ai không rồi mới tiết lộ bằng một giọng nói vừa đủ nghe. Phải cẩn thận chứ vì ngày nay bọn xấu rất nhiều và không biết đâu mà phân biệt. Sau đó tôi sẽ lặng lẽ đón một chuyến xe về quê để cùng ba đi lãnh tiền; hoặc nếu công ty xổ số có chuyển khoản thì mở một tài khoản rồi chuyển vô luôn. Như vậy sẽ rất an toàn.

Có nhiều tiền, món đồ đầu tiên mà tôi sẽ mua là một chiếc xe gắn máy. Phải mua một chiếc mới thôi, chiếc xe cub 78 mượn của cô Ba chạy đã mấy năm rồi giờ đã cũ, thỉnh thoảng lại giở chứng đạp hoài không nổ. Chạy chiếc này nhiều làm tay tôi giờ có thói quen xiết ga mạnh bởi chỉ có như thế mới có thể đuổi kịp mọi người khi đi chung trong một nhóm. Mấy lần về quê chạy xe khác, mẹ lại hỏi tôi: "Sao con chạy xe nhanh thế?", tôi trả lời ngay: "Con quen tay rồi mẹ à".

Kế đến tôi sẽ mua một chiếc điện thoại di động mới. Cái tôi đang xài ngày truớc cũng do cô Ba mua cho khi mới bắt đầu đi làm. Giờ đã gần hai năm vẫn chưa thể thay cái mới. Phần vì nó vẫn còn xài tốt, phần vì tôi thấy chưa cần phải thay mới. Nhưng nếu có dư tiền thì thay cái mới với nhiều tính năng hiện đại vẫn thích hơn. Có thể nói ra không ai tin nhưng thực tế tôi vẫn chưa có dịp dùng thử một chiếc di động với những tình năng mà nhiều người xem là quá tầm thường màn hình màu, tải hình, tải nhạc.

Nói đến những dự định thì có nhiều lắm nhưng điều làm tôi thích nhất có lẽ là mình sẽ có dịp thực hiện những hoải bảo từ thuở nhỏ của mình. Có lẽ tôi sẽ rời bỏ công việc hiện thời để chuyển sang một hướng khác. Ngày trước tôi thi vào ngành công nghệ thông tin chỉ vì thích đuợc làm những công việc như những kỹ thuật viên đồ hoạ truyền hình. Từ bé tôi đã rất thích xem Đài Truyền hình Cần Thơ, nay đổi tên là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Thành phố Cần Thơ. Ngày đó ở quê rất ít ai thích xem đài này vì đài hầu như rất ít chiếu các chương trình giải trí. Riêng tôi lại rất thích và đến giờ vẫn vậy, đơn giản vì tôi thấy các kỹ thuật đồ hoạ của đài thật độc đáo và chuyên nghiệp. Nhưng khi vào đại học rồi tôi chỉ học theo các chương trình của trường, chủ yếu là làm các phần mềm quản lý. Vốn không có nhiều năng khiếu trong lãnh vực này, tôi đã phải rất cố gắng mới theo kịp chương trình học nên không thể dành thời gian theo học những gì mình yêu thích.

Tôi vẫn thường nghe kể về chuyện của những người trúng số độc đắc. Họ thường là những người không thích mua vé số, khi mua không vì mục đích muốn trúng, có người vì muốn giúp đỡ một cụ già bán vé số tội nghiệp nên mua hết, có người vì bị người bán nài ép mãi nên phải mua cho khỏi bị làm phiền. Còn tôi lần nào mua cũng có chủ đích, có lẽ vì vậy mà không bao giờ trúng. Nhiều lúc cũng muốn làm theo kiểu những người đã trúng như mua vé số của những người già nghèo khổ hay khi có ai mời thì giả vờ không mua để họ nài nỉ vài lần rồi mua hay mua vé số với một ý nghĩ tốt đẹp và cao cả là giúp kiến thiết đất nước. Nhưng đến giờ vẫn chưa lần nào trúng dù là lô đầu tiên.

Dẫu thế tôi vẫn hay nghĩ về viễn cảnh mình sẽ đuợc trúng số và lên kế hoạch cho những gì mình sẽ làm khi có nhiều tiền. Tôi còn nhớ có một lần có một anh trong công ty đố những người khác rằng khi một anh chàng nào đó gặp một ông tiên và đuợc ông cho chọn một trong các điều uớc là: thông minh, đẹp trai, giàu có thì anh ta sẽ chọn gì. Mỗi người đều có cách trả lời khác nhau. Cuối cùng anh đi đến kết luận là việc anh ta chọn điều ước gì còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh lúc đó của anh ta, tức là thiếu cái gì sẽ ước có cái đó. Và từ đó tôi đã hiểu vì sao tôi vẫn hay mơ mộng về một ngày được trúng số độc đắc.

26/5/09

Em thường hỏi vì sao cô hay khóc

Trong suốt bảy năm học ở phổ thông, tôi chỉ học Văn với hai cô giáo, một cô dạy ở cấp hai và một cô ở cấp ba. Mỗi cô với cách dạy riêng đã mang đến cho tôi những giờ học Văn thật lý thú. Đặc biệt cô giáo dạy Văn cấp hai của tôi là một người rất dạt dào tình cảm. Ngoài việc truyền đạt kiến thức cô còn cùng lớp tôi tham gia nhiều hoạt động, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện hấp dẫn, đọc cho chúng tôi nghe những bài thơ hay, trong đó có những bài do cô sáng tác.

Bắt đầu năm học lớp 6, chúng tôi là những đứa trẻ đến từ các ngôi trường khác nhau, học trong một lớp mới với một cô giáo mới. Có một điều thú vị là cô cũng là một giáo viên mới chuyển về trường năm nay và lớp tôi là lớp đầu tiên cô chủ nhiệm. Có lẽ vì thế mà cô luôn dành cho lớp tôi một tình cảm rất đặc biệt. Cô luôn muốn chúng tôi tốt về học tập lẫn đạo đức. Và khi những khi lớp chúng tôi có những chuyện làm cô không vui thì cô khóc.Tôi không nhớ cô đã khóc bao nhiêu lần vì chúng tôi nữa, chỉ nhớ cô đã viết một bài thơ khá dài nói về tình cảm của cô với lớp với hai câu thơ mở đầu là:

Em thường hỏi vì sao cô hay khóc
Cô khóc vì đã quá yêu em

Trong suốt năm học lớp 6, cô đã mang đến cho lớp chúng tôi những giờ học thật sinh động, những hoạt động vui chơi thật sôi nổi. Rồi sang năm lớp 7, trong những ngày tựu trường, chúng tôi tập trung tại lớp háo hức chờ cô đến sinh hoạt. Khi cô đến, vừa bước vào lớp cô đã oà khóc. Các bạn nữ không biết là đã hiểu ra chuyện gì không mà cũng oà khóc theo. Sau một hổi cô mới nghẹn ngào nói năm nay cô không còn chủ nhiệm lớp chúng tôi nữa. Các bạn nữ vẫn còn thút thít. Cô an ủi chúng tôi đừng buồn vì mặc dầu cô không còn chủ nhiệm nhưng cô vẫn dạy Văn cho lớp.

Như vậy là cô không còn dẫn dắt chúng tôi trong mọi hoạt động của lớp mặc dù vẫn tiềp tục dạy trong suốt bốn năm liền. Một lần khác, trong lớp có một bạn nữ bị một ai đó giấu mất cái cặp da. Cả lớp nhốn nháo đi tìm và chiếc cặp cũng được tìm thấy. Cô hỏi ai đã giấu, nhưng chẳng ai chịu nhận. Có lẽ cô đã biết thủ phạm là ai nhưng cô muốn bạn đó tự nhận lỗi. Nhưng lớp vẫn im bặt. Gương mặt cô thoáng vẻ buồn bã và có phần giận dữ. Cô bắt cả lớp quỳ gối trên băng ghế. Cô bắt đầu nói nhưng chỉ mới thốt ra vài lời thì giọng cô nghẹn ngào rồi vỡ oà thành tiếng khóc. Các bạn nữ cũng ngay tức khắc nước mắt tuôn trào như thể không muốn bỏ lỡ dịp khóc cùng cô. Mấy bạn nam thấy thế cũng hu hu khóc theo. Cả lớp cùng nhau khóc...

Giờ đây, nhiều năm trã trôi qua, chúng tôi đều đã đi làm, cô vẫn còn dạy và đã chủ nhiệm nhiều lớp. Nhưng tôi tin rằng trong mỗi chúng tôi ai cũng luôn nhớ về cô và tôi cũng tin rằng cô luôn nhớ chúng tôi vì lớp chúng tôi và cô có rất nhiều kỷ niệm, dù đó là những tiếng cười rôm rả hay những giọt nước mắt chứa chan, tất cả đều đẹp đẻ và thiêng liêng. Riêng tôi, những khi nghĩ về cô tôi vẫn thường ngâm nga hai câu thơ của cô:

Em thường hỏi vì sao cô hay khóc
Cô khóc vì đã quá yêu em

25/5/09

Anh Việt đề huề

Ngày nay, khi điều kiện sống ngày càng được nâng cao, người ta không chỉ biết lo "ăn no mặc ấm" mà còn phải là "ăn ngon mặc đẹp". Cái sự "ăn ngon mặc đẹp" hiểu theo một khía cạnh nào đó không phải chỉ có chuyện ăn, chuyện mặc mà còn có sự hiểu biết hay nói cách khác là sự sành điệu của con người. Trong rất nhiều cái sành điệu, sự sành điệu trong lời nói cũng rất đáng được chú trọng.

Một trong những cách để thực hiện mục tiêu đó là dùng tiếng Anh trong lời nói. Không biết là vô tình hay cố ý mà các từ tiếng Anh luôn đuợc ưu ái đưa vào trong lời nói hằng ngày. Phải chăng người ta đã quá thông thạo và dùng tiếng Anh nhiều đến mức quên mất một từ nào đó gọi bằng tiếng Việt là gì?

Ngày nay đất nước đang trên đà hội nhập, việc tiếp xúc và làm việc với người nước ngoài diễn ra thường xuyên; chính vì vậy việc thông thạo tiếng Anh sẽ giúp mọi người thuận tiện hơn trong học tập và việc làm. Thế là người ta đổ xô đi học tiếng Anh và vận dụng nó mọi lúc mọi nơi. Nhưng liệu cách nói nửa nạc nửa mỡ như hiện nay có giúp một nguời giỏi tiếng Anh hơn?
Về khía cạnh cải thiện tiếng Anh thì chắc chắn cách nói nửa mùa như thế sẽ chẳng giúp ích gì. Còn ích lợi về giao tiếp thì nếu nói với nguời nước ngoài chắc chắn họ không thể hiểu, còn nếu nói với nguời Việt thì cũng gây sự khó khăn trong việc hiểu hết ý nguời nói. Có lẽ cũng sẽ có nguời ngưỡng mộ về cái sự sành điệu đó nhưng cũng sẽ có nguời cảm thấy khó chịu vì thấy không thể nào hiểu trọn vẹn những gì mình nghe.

Cách nói pha tạp này thuờng xuất hiện khi người ta bắt đầu đi làm. Trong các công ty có làm ăn với nuớc ngoài phần lớn nhân viên thích vận dụng những từ tiếng Anh mà họ gặp thuờng xuyên trong công việc vào trong lời nói để có được sự dễ dàng. Nhưng đó là ở công ty, mọi nguời như vậy thì mình phải thích nghi; còn khi ra khỏi công ty rồi thì việc bê hết văn hoá nói chuyện trong công ty mình ra ngoài đời thì xem ra không được ổn. Có nhiều giáo sư, tiến sĩ sống và làm việc ở nước ngoài hằng mấy mươi năm nhưng khi về lại Việt Nam họ vẫn dùng hoàn toàn tiếng Việt trong lời nói. Đó là những tấm gương sáng để chúng ta học học hỏi, ít nhất là về mặt dùng ngôn ngữ giao tiếp vì họ nói tiếng Việt ra tiếng Việt, tiếng Anh ra tiếng tiếng Anh và người Việt hay người nước ngoài cũng đều có thể hiểu được ý họ.

Nguời xưa vẫn hay nói "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn". Cái mà ta cần khi học ngoại ngữ là khả năng hiểu và có thể giao tiếp thông thạo bằng ngôn ngữ đó. Nói tiếng Việt thì pha tiếng Anh, còn khi gặp nguời nước ngoài thì không thể giao tiếp đuợc; như vậy cũng chẳng có gì hay. Dùng tiếng Việt thuần tuý một cách thông thạo và sử dụng đuợc ngoại ngữ một cách lưu loát, như thế chẳng phải hay hơn sao?

17/5/09

Cỏ lung linh

Một số hình ảnh đẹp về cỏ






















Tóc mới

Sáng nay mình đi hớt tóc. Mình đã tính từ mấy hôm nay. Mình chỉ có ngày cuối tuần để làm nhiều việc cho mình. Sáng dậy cứ dây dưa mãi đợi đến gần trưa mới đi vì mình định hớt tóc xong sẽ đi ăn trưa luôn mà không ăn sáng. Đến nơi phải đợi một chút. Đây là chỗ quen. Mình vẫn cứ thích đến chỗ quen. Anh thợ hớt tóc cũng vui vẻ và thân thiện, vẫn thường hay hỏi thăm xả giao. Nhưng dường như anh ta chỉ hỏi cho vui mà không hề nhớ vì lần nào cũng mấy câu đó.

Ngồi vào ghế mình chợt hỏi ảnh mình hớt đầu đinh được không. Anh ta ngay lập tức phản đối, nói mình vừa ốm vừa cao thì hớt tóc đó không hợp. Ảnh gợi ý mình hớt kiểu armani và chỉ vào tấm hình trên tường cho mình xem. Mình nhìn hình và đồng ý. Thực ra mình cũng định hớt kiểu này nhưng lúc đầu sợ nói ra ảnh hổng biết. Hớt tóc theo kiểu này rất dễ, chỉ cần tỉa gọn là được, khỏi phải dùng tông-đơ. Chỉ năm phút là xong phần cắt bằng kéo. Hớt xong ảnh còn trầm trồ nói kiểu tóc này hợp với mình và khuyên mình sau này nên hớt theo kiểu này luôn.

Có một điều mình hơi bâng khuâng là kiểu tóc này vải vuốt gel mới đẹp mà bây giờ phải đội nón bảo hiểm, có dùng gel cũng không thể giữ được nếp. Chẳng lẽ mang gel vào cơ quan để xài, người ta cười mình chết. Thôi cứ để vậy từ từ sẽ tính.

Chủ Nhật buồn


Đã nữa năm nay mình giảm cân trầm trọng, từ 67 kg xuống còn có 60. Không rõ lý do chính là gì nhưng mình cũng mập mờ đoán ra. Mình nghĩ có hai nguyên nhân chính. Một trong hai đã được khắc phục; còn lý do kia mình vẫn không thể cải thiện được. 

Cả tháng nay mình vẫn theo dõi cân nặng hằng ngày nhưng hầu như không có gì tiến triển. Buổi tối mình cũng đã ngủ sớm hơn nhưng vẫn không hiểu sao vẫn không thể tăng ký được. Có lẽ do mình thiếu niềm vui trong cuộc sống. Cuộc sống mình đầy những nỗi buồn: buồn vì mặc cảm. Mình thua xúc mọi người ở mọi khía cạnh. Nhiều lúc cũng chỉ biết trách ông trời và nghĩ mình đang bị trời trừng phạt. Mình càng ngày như càng hờ hững với mọi việc xung quanh, chẳng buồn nói chuyện. Nhiều người nói mình hiền, ít nói. Họ nói cũng đúng nhưng một phần cũng do mình không thèm nói. Mình không thích giáo điều, lên mặt với bất cứ ai bởi mình không thích người khác làm vậy với mình.

Bây giờ viết blog mình cũng ngại viết trên Yahoo 360 vì sợ mọi người đọc lại bình phẩm về mình. Hình như mình đang già đi, già khi chưa kịp trẻ. Không biết khi nào mình mới tìm được niềm vui và vượt qua mặc cảm để sống năng động hơn. Có người nói ngày mai sẽ là một ngày mới. Với mình ngày đó sao mãi còn xa.

4/5/09

Bánh mì muôn năm!

Từ hôm qua, tôi đã tự nhủ ngày mai mình không ăn bánh mì nữa, phải cải thiện chất luợng bữa điểm tâm. Vậy mà sáng nay vẫn phải ngoạm ổ bánh bì vì lý do đi trễ. Sở dĩ tôi đưa ra quyết định không ăn bánh mì nữa là vì hôm qua ngồi đếm lại những sợi dây thun tôi để dành được mỗi lần ăn bánh mì thì thấy con số đã lên đến 50, tức là đã 50 ngày tôi không ăn món điểm tâm nào khác.

Thực ra bánh mì thịt ăn rất ngon, chỉ có 3000 đồng mà có đủ nào là pa-tê, bơ, thịt nguội, chả lụa, ngoài ra còn có các loại rau ăn kèm và cả ớt nữa, làm cho hương vi ổ bánh bì thêm phần hấp dẫn.Khi còn là sinh viên, ngày ngày tôi cũng ăn bánh mì, ăn đến mức quen mặt bà bán bánh mì trước cổng trường. So với hồi đó, bây giờ đã khá hơn, hồi đó chỉ ăn ổ có 2000, giờ ăn ổ 3000; và bây giờ tôi dĩ nhiên cũng quen mặt bà bán bánh mì mới. Nhớ lại hồi còn ở nhà, sáng sáng ba mẹ tôi cũng ăn bánh mì, mỗi ổ chỉ 1000; tôi thường không chịu ăn và xin tiền mẹ đi ăn hủ tiếu, giờ nghĩ lại thấy thương ba mẹ quá. Từ khi xa nhà đi học tôi mới chịu khó thưởng thức cái hương vị của bánh mì. Dần dà cũng thấy nó ngon và giờ đây tôi đã để dành được một bó tăm, ứng với số ổ bánh mì mà tôi đã ăn mặc dù thực tế còn nhiều hơn vì tôi chỉ để dành tăm thời gian gần đây.

Bánh mì giờ đây đã là người bạn thân thuộc của tôi. Dẫu là một ổ bánh mì khô khốc hay một ổ đầy thịt thơm ngon, những ổ bánh ấy đã giúp tôi no lòng mỗi buổi sáng từ thuở sinh viên đến bây giờ. Dẫu rằng tôi vẫn muốn thay đổi món điểm tâm hằng ngày nhưng chắc rằng trong thời gian tới bánh mì vẫn là món được dùng thường xuyên. Xin cảm ơn bánh mì, bánh mì muôn năm!


29/3/09

Việc làm


Mình đang chuẩn bị chuyển chỗ làm mới. Đây là một bước ngoặt của cuộc đời mình vì từ khi tốt nghiệp đại học đến nay mình chỉ làm ở một chỗ. Thật lòng mà nói đến nay dù đã đi làm hơn 3 năm nhưng mình vẫn trong hoàn cảnh làm tháng nào xài hết tháng đó. Nhưng đó không phải là lý do chính mình muốn chuyển việc. Mình có kế hoạch khác cho tương lai. Thật ra kế hoạch thì đã có từ lâu rồi nhưng đến giờ mới quyết tâm thực hiện. Phần nữa mình cảm thấy quá mệt mỏi với môi trường làm việc hiện tại, nhiều khi muốn buông xuôi tất cả, một cảm giác mình chưa từng có từ khi đi làm. Mình không muốn nói về những điều mình không hài lòng ở đây bởi mình không muốn làm tổn thương bất cứ ai. Mình luôn muốn mọi người giữ trong lòng những ấn tượng tốt về nhau, hay chí ít sau này gặp nhau còn vui vẻ chào nhau. 

Chỉ có một chuyện làm mình hơi tủi thân là từ ngày mình nộp đơn xin nghỉ tới nay, manager của mình không một lời hỏi han dù là một hành động mang tính hình thức. Hồi trước khi mình làm ở nhóm cũ, mình cũng từng có lúc muốn nghỉ nhưng thấy manager thân thiện và rất quan tâm gần gũi nên mình thôi. Như mình biết từ trước đến giờ khi có người xin nghỉ, manager đều gọi ra nói chuyện. Mình cũng không đòi hỏi gì nhưng sự lạnh lùng như vậy khiến mình cảm thấy dường như mình chẳng là gì trong mắt sếp. Nhưng dù gì đi nữa mình cũng luôn dặn lòng phải làm việc hết mình cho đến ngày nghỉ để khi mình ra đi mà không thấy hỗ thẹn với lòng. Phía trước còn nhiều thách thức cho mình ở nơi làm việc mới, mình sẽ phải cố gắng nhiều. Chuẩn bị xếp lại một quyển sách cũ nhưng chắc chắn mình sẽ không vứt nó đi mà sẽ cẩn trọng giữ gìn như giữ một trong những kỷ niệm của của cuộc đời

Chuyện đi đám cưới


Gần đây nhiều bạn học của mình đám cưới. Sáng nay mình mới đến nhận thiệp cưới của một bạn đang sống ở quê. Vì bạn ở quê nên không có điều kiện đến mời từng người cho nên mới gửi thiệp ở nhà một bạn khác và thông báo để bạn bè đến nhận. Ngẫm lại đúng là thời buổi thị trường thiệt. Ai cũng bận rộn với công việc riêng. Mà đâu phải chỉ bạn ở quê mà tất cả những đám cưới trước mình đều phải đến nhận như vậy. Với mình thì OK vì mình cũng không câu nệ chuyện phép tắc nhưng sáng nay khi đến nhận thiệp mình mới biết tính luôn mình thì chỉ mới có hai người đến nhận. Mình thấy lo giùm bạn vì không biết đến ngày cưới có được bao nhiêu người về dự nữa.

Đám cưới sẽ diễn ra vào Chủ Nhật. Mình dự xong rồi sẽ quay về Saigon ngay. Cũng hơi mệt nhưng mình vẫn sẽ cố gắng có mặt cho bạn vui. Hồi tháng 9 năm rồi mình cũng về dự đám cưới của một bạn khác. Sau lần đó mình không còn hào hứng với việc về quê dự đám cưới bạn nữa. Sau đám cưới mình bị bệnh nặng phải nằm viện và dưỡng bệnh tại nhà tổng cộng nửa tháng. Đó là một việc. Việc nữa là bởi vì trong đám cưới đó mình thấy nhóm bạn bè mình thật nhỏ bé và tầm thường so với các vị khách quyền cao chức trọng khác. Mình được sắp ngồi ở bên ngoài sảnh chính của nhà hàng, nơi không thể nhìn thấy sân khấu cũng như không có máy lạnh. Lần này mình cũng sẽ dự ở nhà hàng đó. Mong là sẽ khá hơn!

16/3/09

Chuyện blog


Bây giờ blog đã rất phổ biến ở Việt Nam, nhất là Yahoo 360. Mình cũng có blog Yahoo, viết rất nhiều bài. Cái thú khi viết blog Yahoo là mình có thể add bạn bè vào, bạn bè đọc rồi comment, sau đó page view được tăng lên hằng ngày. Mình cũng có thể cập nhật các thông tin của bạn bè, từ bài viết, blast, đến feed. Hơn nữa khi bạn bè có một bài viết mới thì nó sẽ được thông báo ngay trên Yahoo Messenger. 

Nhìn chung giới blogger Việt thích Yahoo 360. Nhưng ai thường xuyên viết blog cũng thấy Yahoo 360 có nhiều hạn chế: khả năng tùy biến rất ít, hay bị lỗi khi post một entry mới, không hỗ trợ Javascirpt, rồi việc đưa flash vào cũng lúc được lúc không. Những người thích màu mè thì thấy Yahoo 360 thật nhàm chán. Còn đối với những ai chủ yếu muốn chia sẻ thông tin, tâm sự hay hình ảnh thì dịch vụ blog này vô cùng tiện lợi. Mặc dù Yahoo công bố không tiếp tục hỗ trợ 360 nữa và dịch vụ này đang bên bờ vực bị khai tử nhưng blogger Việt vẫn nặng lòng và chưa chịu bỏ hẳn.

Như thể hiểu được tâm lý của giới viết blog Việt, Yahoo đã cho ra đời Yahoo 360 plus thuần Việt với nhiều tính năng cải thiện, đặc biệt khả năng tùy biến các module, hỗ trợ Javascript. Tuy nhiên việc áp dụng Ajax tùy tiện đã làm cho nó khó sử dụng. Rất thường xuyên xảy trường hợp sau khi mở một popup lên rồi nhấn nút đóng nó vẫn cứ trơ trơ chẳng chịu làm gì. Điều này làm nản lòng khá nhiều người. Riêng mình cũng mất kiên nhẫn với dịch vụ mới này của Yahoo Việt Nam. Vã lại bạn bè mình cũng chẳng ai dùng cái này. 

Sau khi suy đi nghĩ lại mình quyết định dùng Blogspot, một dịch vụ của Google. Mặc dù ở Việt Nam, số người dùng Blogspot không nhiều bằng Yahoo 360 nhưng Blogspot từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới. Mình cũng thấy Blogspot có nhiều cái hay, nhất là đối với ai có biết về HTML và CSS. Chỉ có một điều là có lẽ sẽ không có bạn bè nào của mình biết đến blog này để vào đọc và comment. Nhưng nghĩ lại mình biết blog không phải chạy theo số lượng page view, chủ yếu là muốn tìm một nơi để có thể thật sự trải lòng. Đôi khi có quá nhiều bạn bè chú ý đến blog của mình cũng làm mình dè dặt khi viết, sợ mình lỡ lời làm buồn lòng ai đó. 

Việc bây giờ của mình là cố gắng xây dựng một "ngôi nhà mới" ờ một "vùng đất mới". Mặc dù sẽ phải tốn thời gian và công sức để có thể có được một "cơ ngơi" như chỗ cũ nhưng đổi mới là một phần tất yếu của cuộc sống.

14/3/09

Ngày cuối tuần


Hôm nay là thứ Bảy, ngày mình thích nhất trong tuần. Không phải thứ Bảy nào mình cũng được nghỉ ngơi thư giãn, có những tuần mà mình phải đi làm cả thứ Bảy lẫn Chủ Nhật. Những lúc đó thật lòng mà nói mình chỉ muốn buông xuôi tất cả, thật là mệt mỏi. Trước đây mình rất thường đi siêu thị vào ngày cuối tuần nhưng bây giờ thì ít hơn hẳn, chỉ khi nào thật cần mới đi. Một phần tại vì mình đang ở trong hoàn cảnh phải tiết kiệm tiền vì chưa biết tương lai công việc sẽ như thế nào, phần nữa đi siêu thị chỉ một mình thì cũng có cảm giác hơi lạc lõng.

Vậy nên mỗi khi có bạn rủ tối thứ Bảy đi ăn uống hay xem phim thì mình vui lắm. Chỉ là những người bạn bình thường thôi, không phải người yêu. Từ ngày dọn đến chỗ trọ mới cách nay hơn một năm, mình cũng ít đi ra ngoài hơn vì việc về nhà phải gọi nhờ ai đó mở cửa cũng hơi bất tiện nên cũng lười đi. Có duy nhất một việc mà cuối tuần nào mình cũng phải làm là giặt đồ, cả một thau đồ to đùng. Mình thường tranh thủ giặt vào ngày thứ Bảy vì Chủ Nhật có nhiều khác cũng giặt nên có thể sẽ không đủ nước. Vào ngày cuối tuần mình luôn muốn có cảm giác thoải mái nhất, không bị ám ảnh bởi công việc nhưng thật ra mình chưa làm được và mình đang cố gắng thay đổi.

11/3/09

Kỷ niệm xưa

Tối nay đi làm về, mở máy tính lên, ngồi một lát chưa làm được gì thì nhìn xung quanh phòng thấy sao mà thật là bề bộn. Tự nhiên muốn dọn dẹp ngay cho nó trở nên thật gọn gàng. Nhìn xuống góc bàn thấy cái máy cassette bỏ lăn lóc bụi đóng hàng lớp. Thế là mình vội mang nó lên lau chùi cho sạch rồi đặt lại trên bàn. Cái máy này mình xin ba mẹ cho mang từ dưới quê lên. Nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa mà thấy thật vui. Lúc trước ở quê mình thường dùng nó để thu lại các bài nhạc mình thích từ radio, cả nhạc trẻ lẫn nhạc cải lương. Lên Saigon, mình nghĩ sẽ dùng nó để thu thêm các bài ca mình thích từ đài FM Thành phố nhưng đâu có làm được, mình có TV rồi Internet nên bỏ quên cái máy cassette thân thiết của mình ngày nào.

Dọn dẹp căn phòng nhỏ như vậy mà cũng mất gần hết buổi tối. Tối nay mình không xem TV mà mở radio FM để nghe, hết nghe FM Thành phố rồi đến VOV5, đài nói tiếng Anh của Việt Nam. Hồi nhỏ ở quê mình rất thích nghe VOV5 để rèn luyện tiếng Anh nhưng quê mình ở xa Thành phố quá nên tín hiệu rất yếu, hôm nào thời tiết tốt mới nghe được rõ. Mình thường thức khuya vừa làm bài tập vừa nghe đài. Thói quen nghe radio vẫn tiếp tục khi mình lên đại học và ở ký túc xá. Hồi đó khi khăn gói lên Saigon học, cô mình cho mình một chiếc radio nhỏ xíu để mang theo. Cứ hễ đi học về là mình lại bật lên. Nghĩ lại mà thấy thương, cái radio chỉ có mấy mươi ngàn đồng mà khi bị hư vẫn tìm mọi cách để sửa, tự sửa không xong rồi lại mang ra tiệm cho thợ sửa. Giờ mình cũng không ngờ là lại có ông thợ chịu sửa nữa.

Đã bao năm rồi nhưng bố cục chương trình phát thanh hầu như không có gì thay đổi. Giờ phát vẫn như xưa, vẫn là các bản tin, phóng sự xen lẫn với những bài nhạc Việt. Nghe lại chương trình mình như gặp lại người bạn cũ mà sau bao năm mình vô tâm không nhớ đến. Chiếc máy không chỉ gợi nhớ những kỷ niệm của riêng mình mà còn là sự nhắc nhở về những nhọc nhằn của ba mẹ mình bởi nó một thời được xem là món đồ xa xỉ nhất của nhà mình mà ba mẹ phải dành giụm thật lâu mới có tiền mua. Giờ đã sang ngày mới, mình vẫn vừa viết vừa nghe đài, như thể đang hàn huyên cùng người bạn thân đã lâu lắm rồi mới gặp lại.


12/2/09

Ăn hủ tiếu bò viên Sadec ở Saigon


Hôm nay một người bạn nhắn tin cho mình trong tâm trạng rất hân hoan. Bạn vừa biết một quán bán hủ tiếu bò viên Sadec ở Saigon. Cô bạn sành ăn của mình đã rất chu đáo hỏi kỹ giờ bán cũng như ghi lại địa chỉ của quán và tận tình chỉ đường cho mình đến đó. Thật may quán đó khá gần nơi mình làm và rất dễ tìm. Mình cũng rất hào hứng khi biết tin này và nói nhất định chiều đi làm về sẽ ghé qua để thưởng thức; một phần cũng để kiểm chứng xem hương vị hủ tiếu ở đây có thật sự giống ở Sadec không.

Quán tọa lạc ở ngay mặt tiền đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, đối diện ngân hàng Vietcombank . Nếu đi từ Nguyễn Văn Trỗi thì cứ đi về hướng Trần Huy Liệu ra Hoàng Văn Thụ. Tên quán đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa "Hủ tiếu bò viên Sa Đéc". Quán sạch sẽ và khá mới. Dường như chủ quán chỉ mới mở hay mới dọn về trong thời gian gần đây. Ngoài bán hủ tiếu với bò viên còn có tái, nạm và cả phở. Nhưng mình chắc chắn là ăn hủ tiếu bò viên thôi. Mình chọn ngồi ở bàn gần nơi nấu và cố tình để ý rổ hủ tiếu của họ. Đúng là những sợi hủ tiếu to to như ở Sadec nhưng trông có vẻ như đó là loại đã được phơi khô. Có lẽ vì phải mang từ Sadec lên nên người ta phải phơi khô để tránh mốc khi để lâu ngày.

Chỉ ngồi ở bàn ăn mà mình đã ngửi thấy hương vị thơm lừng của nồi nước súp, hệt như khi ngồi ăn ở quán trước chợ Thực phẩm ở Sadec. Tô hủ tiếu to mang ra trông đầy hấp dẫn. Cũng như ở Sadec, kèm theo đó là một chén tương nhỏ và một dĩa rau gồm rau quế và ngò gai. Nặn thêm chút chanh, cho ít ớt vào chén tương, đánh đều lên và bắt đầu thưởng thức. Hương vị quả không khác ở Sadec. Sợi hủ tiếu không bở cũng không quá dai. Đúng là hủ tiếu từ Sadec. Nước súp nêm đậm đà, cộng thêm mùi hương thơm lừng của ngò gai xắt nhuyễn và không hề có hành theo đúng phong cách Sadec. Cho một viên bò chấm vào tương rồi ăn cùng với chút hủ tiếu, húp thêm một muỗng nước súp, quả là một cách thưởng thức thật tuyệt vời.

Giá cả ở đây cũng khá hợp lý, 16.000 đồng cho một tô hủ tiếu bò viên và 12.000 đồng cho một chén bò. Chủ quán rất thân tình và chu đáo trong phục vụ. Trước khi về mình nán lại hỏi ông chủ :
-Hủ tiếu này có phải mang từ Sadec lên không anh?
- Đúng rồi, ăn có được không?
- Dạ được, em cũng là người Sadec.

Ông chủ hơi bất ngờ và vui vẻ hỏi thăm. Mình thầm nghĩ sẽ giới thiệu quán cho nhiều bạn bè đến ăn vì đầy là lần đầu tiên ở Saigon mình được thưởng thức đúng hương vị thân quen của hủ tiếu Sadec. Và mình nghĩ có nhiều người con Sadec khác ở Saigon cũng có mong muốn được thưởng thức món ăn quen thuộc của quê nhà như mình, món ăn tuy bình dị nhưng đã trở thành nét văn hóa ẩm thực của quê hương.

Các bạn quan tâm, hãy đến thưởng thức tại quán “Hủ tiếu bò viên Sa Đéc”, 133 Trần Huy Liệu, phường 8, quận Phú Nhuận.

13/1/09

Chờ xuân


Chưa bao giờ mình lại có cảm giác chờ đợi Tết đến vậy. Mà cũng chẳng biết chờ Tết đến để làm gì, để được đi chơi? không; để được tụ tập với bạn bè? cũng không.Không biết là do đâu nhưng vẫn cứ mong, cứ nôn nao. Năm nay mình không muốn viết tổng kết lại những gì của năm rồi, bởi cũng chẳng có gì nổi bật. Điều lớn nhất để lại trong mình là bài học từ blog. Đã ba năm từ ngày mình tập tành viết blog và mình hiểu ra rằng tốt nhất là nên nói về chính mình, hoặc không thì nói chuyện trên trời dưới đất, những chuyện thuộc loại vô thưởng vô phạt. Mình cũng rất muốn cám ơn tất cả các bạn đã đọc gửi những lời bình luận trên blog của mình. Suốt một khoảng thời gian dài mình hầu như không viết gì, không phải mình không còn quan tâm đến blog, ngày nào mình cũng vào và cập nhật thông tin từ bạn bè.

Suốt bốn tháng nay, tháng nào mình cũng nhận được tin vui từ bạn bè và người thân.Quả là một năm có nhiều tiệc tùng mà mình từng trải qua. Ở Saigon đã nhiều năm nhưng chưa năm nào mình có dịp đi chơi đường hoa Nguyễn Huệ vì mình thường về quê khi đường hoa chưa khai mạc.Hội hoa xuân thì mình đã từng đi rồi, năm nay cũng cận ngày mình về nên đang cố gắng sắp xếp một đêm trước khi về chạy ra công viên Tao Đàn để thưởng lãm và ghi lại những bức hình ấn tượng. Mấy hôm nay trời thật lạnh, mình đi làm về trễ, mỗi lần vào nhà tắm là như một cực hình, tối ngủ cũng phải mặc thêm một lớp áo. Dẫu vậy nó tạo cho mình cảm giác của ngày Tết và mình mong cho nó kéo dài đến Tết. Hãy tưởng tượng đêm giao thừa đi ra đường trong cái lạnh se sắt, cùng bạn bè nhâm nhi những ly cà phê nóng, ăn chút mứt, ngồi trò chuyện chờ năm mới đến, rồi cùng ngắm pháo hoa bừng sáng trên bầu trời. Còn gì ấm áp cho bằng!

Nhà ông Năm Kiến Vàng - Vĩnh Long

 Hôm nay đưa ba đi bó thuốc ở nhà ông Năm Kiến Vàng ở Vĩnh Long. Xuất phát lúc 5h30 đến 7h30 thì đến nơi. Đến TP Vĩnh Long chạy lòng vòng mộ...